Người thầy lận đận Mà có lẽ, nếu thầy không cười thì trông sẽ ít buồn hơn. Bởi chỉ gương mặt của thầy thôi đã hiển hiện lên đủ đầy sự đau khổ. Thêm làm chi cái nụ cười còn vương nhiều mặc cảm, tủi thân! Nhà vắng tiếng cười
Thầy đi dạy vắng nhà. Tấm bảng sửa xe cũ kỹ nằm giữa chằng chịt cỏ cây. Căn nhà lá cũ nát cũng nằm lọt thỏm trong khoảng đất trũng đầy cỏ dại. Kể từ ngày bị tai biến, sức khỏe kém đi nhiều, thầy không đủ sức để dọn đám cỏ hoang đang mọc lan đến tận cửa nhà mình, leo lên cả trên mái lá. Thấy chúng tôi loay hoay trước căn nhà vắng, bác Bảy, người hàng xóm nhiều tuổi của thầy bước sang tiếp chuyện. Bà bảo chúng tôi cứ bước hẳn vào trong, nhà đóng cửa nhưng thật ra vẫn có vợ thầy trong ấy. Thập thò trong khung cửa, bẽn lẽn cười và ngây ngô đi lại, vợ thầy Nhì không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của chúng tôi. Được bác sĩ chẩn đoán là teo não, người vợ hiền của thầy Nhì bây giờ không còn nhận ra những người thân của mình nữa. Không nói, chỉ cười. Không biết tự chăm sóc bản thân. Hai con trai, đứa đi học xa, đứa còn quá nhỏ, chẳng ai có thể ngăn được bà bỏ đi lang thang bất kỳ khi nào có thể, vậy nên thầy Nhì đành tìm cây tạp, đóng đinh, rào hết cửa nhà mỗi khi đến lớp. Khi căn bệnh của người vợ xem như vô phương cứu chữa thì cơn tai biến cách đây không lâu đã ập đến khiến một nửa thân người của thầy trở nên yếu ớt. Tự an ủi rằng: “Trong cái rủi còn có cái may, còn đi lại được để còn đi dạy, nuôi sống các con thì còn may mắn lắm!”. Vậy nên, vất vả, thầy vẫn gắng gượng sống và lao động bởi còn có ít nhất ba người trông chờ vào sự chăm sóc và gánh vác của thầy. Oằn vai gánh những nỗi niềm Thầy Võ Anh Dũng, chủ tịch công đoàn phòng Giáo dục huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh lý giải cho sự vất vả, khó khăn của thầy Nhì bằng tất cả sự cảm thông: “Ngày trước, nhà thầy Nhì cũng nghèo và khó khăn nhưng hai vợ chồng còn trẻ, có sức khỏe, có chăn nuôi, buôn bán nên cũng sống được. Một lần, thầy Nhì lãnh lương từ kho bạc về để trả cho giáo viên thì không may bị kẻ gian lấy cắp. Đó là một số tiền lớn nên phải vay mượn mới trả dần hết được. Kinh tế chưa kịp ổn định thì vợ thầy Nhì bỗng nhiên mắc bệnh...”. Hàng ngày, cứ đi dạy về, thầy lại tất bật dọn dẹp, nấu ăn, rửa chén, giặt đồ. Phải làm tất cả những công việc của một người phụ nữ khi người phụ nữ duy nhất trong nhà mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân. Đồng lương giáo viên tròm trèm ba triệu phải chia nhỏ ra làm nhiều khoản: trả nợ ngân hàng, trả nợ bên ngoài, thuốc thang cho vợ, thuốc cho chính mình và nuôi hai con trai đang tuổi học, tuổi ăn. Lương tháng nào nhận ra cũng chỉ còn hai, ba trăm ngàn mua gạo muối. Cái gánh nặng ấy oằn trên bờ vai vốn quá gầy gò và yếu ớt của thầy. Vậy nên, biết căn nhà của mình quá trống trải và rách nát, biết chỉ cần một cơn mưa giông thôi là sẽ sập nhưng đành ngoảnh mặt làm ngơ, không dám nghĩ tới việc sửa chữa cho an toàn. Mà biết sửa làm sao khi nó cũng được cất nhờ trên đất của người khác! Cũng có lẽ vì lắm lo toan nên thầy ít cười, ánh mắt cũng buồn vời vợi. Nụ cười cũng vắng trên môi những đứa con hãy còn rất ngây thơ. Không có thu nhập nào ngoài đồng lương, có người giúp cho thầy chiếc bình hơi để bơm xe. Cái nghề tay trái của thầy mỗi ngày cũng kiếm được đôi ba ngàn để lo thêm mớ rau con cá. Nhưng có lẽ còn lâu lắm người thầy ấy mới thoát được cảnh nghèo. Có lẽ còn lâu lắm nụ cười mới trở lại trên gương mặt khắc khổ, lận đận của thầy, trên ánh mắt hãy còn ngây thơ của đứa con trai nhỏ! BÀI VÀ ẢNH: BÍCH UYÊN
|
||||
|