Hải Yến làm mùa xuân ở lớp tình thương
Lớp học của tình thương Hai mươi đứa học trò. Đứa nhỏ nhất chừng năm, bảy tuổi, đứa lớn cũng 14, 15. Có đứa đứng cao hơn cả thầy cô của mình nữa, vậy mà đứa nào cũng ngoan. Ngày mở ra lớp học tình thương này, Hải Yến hãy còn là cô học trò cấp 3 tham gia sinh hoạt phong trào tại địa phương, còn Hoà là bí thư chi Đoàn khu phố 8, phường Phú Hoà, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngày đó, có thêm chị Thuý, bí thư Đoàn phường là có ba “thầy cô”, quản năm, sáu mươi học trò. “Thầy cô” nào cũng trẻ, cũng chưa có kinh nghiệm đứng lớp, chỉ có khả năng “dụ con nít” mà thôi! Thấy đám trẻ con từ nhiều vùng quê về Bình Dương theo mẹ cha đi làm công nhân, bán vé số, nhặt ve chai… tá túc trong các khu nhà trọ nghèo nàn lại không được đến trường, không ngoan ngoãn, vậy là mọi người tập hợp chúng lại, dạy hát hò, dạy trò chơi và rồi mở ra lớp học tình thương, dạy luôn cả chữ. Những đứa học trò cứ đến rồi lại đi, rày đây mai đó theo cuộc mưu sinh của mẹ cha, lớp học vì không có địa điểm cũng phải dời nơi đổi chỗ vài lần, nhưng nó vẫn sáng đèn cho bọn trẻ nghèo đến nhặt chữ đã hơn ba năm qua. Không dám nghĩ sẽ đem điều to tát gì đến cho các em, chỉ mong các em viết được tên mình, biết đọc chữ để không bị lừa gạt khi mưu sinh trên phố. Và nếu may mắn hơn, các em có đủ kiến thức để lớn lên có thể xin đi làm công nhân. Cứ vậy mà các thầy cô giáo nghiệp dư mày mò chỉ lối, vẽ chữ cho các em mà cũng không nghĩ rằng sẽ có em đủ kiên nhẫn để bám lớp cho đến chương trình lớp tám. Tham gia lớp học tình thương từ những ngày đầu sau khi bỏ dở chương trình lớp bốn ở quê, theo cha mẹ về Bình Dương bán vé số, bây giờ Võ Ngọc Duy đã học đến lớp tám. Ngoan ngoãn, chăm chỉ, Duy được bầu làm lớp trưởng của 20 bạn nhỏ với tám cấp lớp! Nhiều em hoàn toàn mù chữ giờ đã học đến lớp hai, lớp ba… Học sư phạm để dạy tốt hơn Bây giờ Yến đã là sinh viên năm cuối của đại học Thủ Dầu Một. Cái lý do Yến chọn vào sư phạm cũng giản đơn, vì: “Em thích làm cô giáo từ hồi còn nhỏ lận! Lúc bắt đầu dạy lớp học tình thương, em không biết phải dạy sao cho các em dễ hiểu. Có bài thật đơn giản nhưng dạy hoài, dạy hoài, cả tuần lễ các em vẫn không thuộc, tức muốn khóc. Em quyết tâm thi vào sư phạm tiểu học là để sau này biết phương pháp mà giảng dạy tốt hơn”. Hoà bây giờ cũng đã là phó bí thư Đoàn phường, vậy nên, lớp học cũng được tổ chức ở khoảng thềm trống của uỷ ban phường. Tranh thủ những chiếc ghế tiếp dân, mượn những chiếc bàn, ghế nhựa ở căngtin, hàng đêm, cô trò xúm xít với nhau nhặt từng con chữ. Câu chuyện cô sinh viên Hải Yến tham gia dạy học tại lớp học tình thương bây giờ đã có nhiều người biết đến. Lửa nhiệt tình từ Yến cũng truyền sang những người bạn của cô. Bây giờ lớp học đã có năm thầy cô là sinh viên thay nhau đứng lớp mà không nghĩ gì đến thù lao hay quyền lợi riêng, mà ngược lại còn phải dành chút tiền sinh hoạt ít ỏi, chút thù lao từ việc đi dạy kèm để mua tập bút mà dạy cho các em. Còn nhiều khó khăn lắm, bởi vẫn chưa có một nơi thật sự ổn định cho các em nhặt chữ, còn thiếu hầu hết tập vở, bút, sách giáo khoa… nhưng Yến, Hoà và những người bạn của mình vẫn kiên quyết không để các em vì nghèo khó mà mù chữ, vì không được đến trường mà vô lễ, không ngoan. Câu chuyện về lớp học tình thương của Hải Yến và Hoà sẽ được gửi đến quý khán giả trong chương trình Tiếp sức người thầy, phát sóng lúc 21 giờ 40 phút tối thứ ba 1.2.2011 (29 tết) trên kênh HTV9. Vì không có nơi học ổn định và việc duy trì lớp cũng nhờ vào sự nhiệt tình, sự hy sinh của các bạn sinh viên, chúng tôi rất mong quý bạn đọc hãy dành cho các em nhỏ cũng như cho lớp học này những sự sẻ chia. Mọi đóng góp cho chương trình xin gửi về: báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gửi vào tài khoản của chương trình: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh quận 3. BÀI VÀ ẢNH: BÍCH UYÊN |
||||
|