Cả nhà nặng nỗi lo toan Chưa thể rảnh rang!
Cô đón tôi bằng vẻ mệt mỏi sau đợt tái khám ở Sài Gòn. Đã mấy tuần trôi qua nhưng trông cô vẫn còn mất nhiều sức. Bù lại, cô vẫn giữ nụ cười hiền lành và tươi tắn đến khó quên trên gương mặt mỏi mệt của mình. Hai năm qua, chứng bệnh ung thư đã khiến cô kiệt sức cả về tinh thần lẫn vật chất. Đoạn nhũ, có nghĩa là cắt đi một phần máu thịt của cơ thể… Biết chuyện xấu nhất đang chờ mình phía trước nhưng cô vẫn cứ mỉm cười. Cười cho các con an lòng. Cười để đi hết đoạn đường đưa đò cõng chữ… Cô bảo ngày trước, cha mẹ nghèo vất vả, đặt cho cô cái tên Rảnh là để mong con mình dẫu không giàu thì cũng được rảnh rang. Rảnh cái tay cái chân, rảnh cái đầu cho sung sướng. Vậy mà cô có rảnh được đâu! Những khó khăn đã đến với cô cả chục năm từ trước ngày ngã bệnh, khi số tiền vay ngân hàng để chăn nuôi đã không hoàn trả được vì những lứa heo liên tục mắc bệnh dịch, trắng tay! Nỗi lo mất nhà cũng đã đến đôi lần khi nợ ngân hàng, nợ bên ngoài vây bủa. Cô giữ được mái nhà rách bươm của mình là vì cả ngân hàng lẫn những người cho cô vay mượn chẳng thèm xiết nợ bởi khi định giá, nó chẳng có giá trị là bao. Vậy nên, tiền lương hàng tháng thì ngân hàng thu một ít, số tiền lãnh ra thì những người cô vay mượn bên ngoài lại trừ trước cấn sau. Mỗi lần đi xạ trị, cô lại xất bất chạy vay đồng nghiệp… Xuân vẫn chưa về Nước mắt đã rơi, xót xa đến tái tê lòng khi nhìn thấy cô bé nhỏ, đơn độc và gầy gò bên bữa cơm trưa, sau giờ lên lớp. Bữa ăn của người thầy mắc bệnh hiểm nghèo chỉ là một con cá sặt nhỏ xíu kho khô. Lần xuống gian bếp thấp lè tè, mở từng cái vung nồi, cũng chỉ thấy vài con cá sặt nhỏ và nồi canh khoai lõng bõng nước. Ngôi nhà của một người thầy có hơn 30 năm đứng lớp chỉ cần một cơn gió nhẹ là sẽ sập. Không cửa, rách nát, không có thứ tài sản nào gọi là có giá trị. Buồng ngủ rách bươm, nhìn thấy cả trời sao. Không có cả chiếc tủ chứa quần áo, tất cả áo quần của gia đình được treo hết trong cái phòng tắm bằng lá nhỏ xíu che tạm bợ ngoài bờ mương. Đến chiếc xe đạp cũ để đi dạy cũng nhờ đồng nghiệp tặng cho cô. Xót xa làm sao, chạnh lòng làm sao khi biết được giữa những trống trải huơ hoác ấy là những cơ thể ốm đau. Hàng chục năm nay, khi không còn sức khoẻ, không đi đốn lá mướn được nữa, chồng của cô Rảnh chỉ làm ít việc lặt vặt trong nhà mà chưa một lần dám vào bệnh viện vì sợ không có tiền điều trị; đứa con trai phải bỏ học đi làm thuê đỡ đần cha mẹ. Biết con thoát vị bẹn nhưng cô đành để con chịu đau mà chưa có tiền đưa đi phẫu thuật. Làm mẹ, cô nuốt nước mắt vào trong khi phải để các con chịu nhiều thua thiệt. Mỗi lần đi tái khám cô lại thấp thỏm lo âu, sợ phải bỏ đứa con gái vừa mới lớn một mình trong căn nhà không có cửa, sợ con mình bữa đói bữa no. 17 tuổi, là con gái, Ngọc Quyền đủ tinh tế để biết rằng ngày em xa mẹ càng gần. Thế nên, không một lời than vãn, không một chút tủi thân, cứ đi học về, cô học trò lớp 12 lại loay hoay dưới bếp đỡ đần giúp mẹ. Chọn thi vào trường đại học Trà Vinh, chuyên ngành sư phạm, Quyền bảo em muốn tiếp bước mẹ mình nếu một mai câu chuyện nghề của mẹ dở dang… BÀI VÀ ẢNH: BÍCH UYÊN
|
||||
|