Người thầy hiến đất xây trường Cách đây một năm, trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, thuộc xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long chỉ là một dãy phòng nhỏ bé khuất trong cây cỏ um tùm. Có một người thầy mỗi ngày đi qua trường, luôn ước mơ về một ngôi trường thênh thang, các em nhỏ được ngồi trong những phòng đa chức năng hay tung tăng chơi đùa trong sân trường lót gạch sạch sẽ. Mỗi ngày, ước mơ tưởng như chỉ nhen nhóm đó đã thôi thúc thầy… Thầy Thành bên ngôi trường khang trang mà thầy góp phần xây dựng. Từ ước mơ không vụ lợi Đó là thầy Tô Hiến Thành, dù đã gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, thầy vẫn giữ cho mình nếp sống giản dị và chân chất. Người dân nơi đây quen với hình ảnh thầy ra vào cày cuốc mảnh vườn quanh nhà, rồi hì hụi củi lửa cho từng bữa cơm nên vẫn gọi đùa là “ông thầy nông dân”. Ngày ban giám hiệu trường cho biết đang cần đất xây trường, người thầy ấy không chút đắn đo, hiến ngay hai công đất của mình cho trường để thoả ước mơ mình ấp ủ bấy lâu, và cũng là nỗi khát khao của bao thầy cô, học sinh và người dân nơi đây. Thầy Lâm Tòng Sơn, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Trung Trực kể: “Suốt mùa hè trường đang xây dựng mà phụ huynh, học sinh lúc nào cũng đông, người ta cứ đứng xem rồi háo hức chờ ngày khai giảng. Khi biết nhờ thầy Thành hiến đất trường mới mở rộng ra được như thế này, mọi người xúc động lắm, hôm thì mang đến cây hoa, hôm mang nước, mang cơm đến cho thợ xây trường, nói là góp chút công chút của cho ngôi trường thêm đẹp”. Hôm nay, đến với trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, không ít người ngỡ ngàng vì sự khang trang của nó. Ba dãy phòng học rộng rãi với đầy đủ các phòng chức năng, sân trường rộng với vườn hoa, cây xanh toả bóng… trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Và hẳn nhiên, không ai quên công “ông thầy nông dân” Tô Hiến Thành đã nhiều năm không còn đứng lớp nhưng luôn tận tuỵ với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, người ta nhắc về công ông hiến đất xây trường tiểu học mà không hề đòi hỏi một quyền lợi nào. Thậm chí khi nhà trường thấy gia đình thầy khó khăn, muốn giúp thầy mở một căntin nhỏ trong trường để có đồng ra đồng vô, thầy cũng từ chối. Lặng lẽ và tận tuỵ mở lớp Cách đây sáu tháng, trên đường trở về trường Nguyễn Trung Trực, thầy Thành bị tai nạn giao thông, gãy một chân không thể đi lại được, mọi việc cơm nước thuốc thang phải trông chờ vào người vợ hiện đang buôn bán trên chợ, ở cách thầy mấy cây số. Dù đôi chân mỗi lần đi vẫn còn nhói đau, nhưng khi bước được khập khiễng, thầy cố gắng trở lại với công việc của mình. Đó là chăm sóc đứa em gái không may bị tâm thần nhẹ từ lúc mới sinh. Từ khi ba mẹ mất, cô em càng sống lặng lẽ, chỉ nói chuyện và chịu ăn uống khi có thầy bên cạnh. Rồi thầy mau mắn trở lại với công tác phổ cập giáo dục bỏ dở mấy tháng nay. Sắp xếp lại danh sách các lớp học, thầy khập khiễng từng bước trên những con đường làng đến từng nhà khuyến khích học viên đến trường. Mười mấy năm qua, thầy Thành đã gắn bó với công tác phổ cập của xã Tân Ngãi, chưa có nơi xa xôi nào cần đến mà thầy nề hà, cũng có những em từ chối người thầy giàu tâm huyết này, nhưng chưa bao giờ thầy bỏ cuộc. Cái chất nông dân, mộc mạc và gần gũi cùng với sự nhiệt tình, thầy đã làm không ít phụ huynh thay đổi suy nghĩ mà đưa trẻ đến trường. Rồi thầy hì hụi mở lớp, kêu gọi giáo viên đứng lớp. Phần mình, chỉ lặng lẽ đứng sau sự ra đời của mỗi lớp học, sự trưởng thành của mỗi học sinh. Lấy đó làm niềm hạnh phúc, thầy lại tiếp tục rong ruổi khắp các nẻo đường làng. Người thầy giản dị và chân chất ấy vẫn hăng hái với công việc của mình, đó là gắn bó với phổ cập giáo dục của xã, và yêu trẻ, đóng góp cho sự phát triển của quê nhà bằng cái cách của riêng mình, thầm lặng và tận tuỵ. Thanh Hà |
||||
|