Tiến sĩ chân đất ở Gò Nổi
Quê ở tận Quảng Trạch, Quảng Bình, học xong đại học Sư phạm Huế, xong sĩ quan dự bị, năm 1986, thầy giáo Hoàng Sỹ Nguyên nhận công tác về vùng Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam). Vậy là vùng đất nghèo ấy có thêm một người thầy nhiều tâm huyết, hết lòng với học trò. Và vùng đất ấy còn giữ chân thầy bởi mối lương duyên với một cô giáo người địa phương…

Ông tiến sĩ lội ruộng


Thầy giáo tiến sĩ cùng vợ luôn gắn bó với công việc đồng áng

Chúng tôi gặp thầy Nguyên khi thầy đang cùng cô lúi húi nhổ mạ trên đồng. Đôi bàn tay to và thô ráp, đôi chân nhúng trong đất bùn và chiếc nón lá cũ che gương mặt đậm chất nhà nông. Nếu không biết trước, tôi sẽ không thể nào tin người thầy – người nông dân ấy lại là tiến sĩ.

Thầy kể rằng ngày thầy về Điện Bàn nhận công tác đã nghe câu “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Vùng đất này từng là nơi bom đạn trút xuống như mưa. Đời sống của bà con khi ấy còn nghèo lắm, học trò của thầy cũng một buổi ra ruộng, một buổi đến trường. Giáo viên, để có thể sống được với đồng lương khiêm tốn cũng phải lao động như một người nông dân. Thầy cũng vậy, cũng phải trồng dâu, nuôi tằm, gánh đất. Thầy bảo những việc nhà nông ấy đã ngấm vào máu, vào xương, dẫu có làm gì, ở đâu đi nữa thì ruộng nương là những việc gắn bó với thầy. Vậy nên, những ngày cuối tuần về chăm sóc mẹ già ở quê, thầy và cô lại ra đồng cấy cày, vun xới.

Phạm Phú Tường Vy, cô học trò cũ của thầy Nguyên kể rằng thầy rất tận tâm với học trò. Là giáo viên dạy văn, thầy chăm lo câu chữ cho từng em. Vào những đợt thi học sinh giỏi, thầy lại đưa học trò về căn nhà nhỏ của mình, kèm cặp từng đứa một. Em nào bị say xe, không thể ngồi xe đò lên tỉnh, thầy lại đèo trò lên tận trường thi. Trong rất nhiều câu chuyện Vy kể về người thầy của mình, có một câu chuyện mà chúng tôi nhớ mãi. Đó là một ngày thầy Nguyên đang trực ở văn phòng, khi thầy đã về dạy tại đại học Phan Châu Trinh, thấy một anh sinh viên vừa khóc vừa bước ra khỏi lớp, thầy hỏi han mới biết anh chưa có tiền đóng học phí. Vậy là ông thầy giáo nghèo gom hết tiền trong ví đưa cho anh sinh viên. Chiều hôm đó, thầy đạp xe đến nhà anh để hỏi han và động viên anh đừng vì nghèo khó mà bỏ lỡ việc sách đèn…

Người thầy của nhân cách và nghị lực

Năm 2000, chuyện “thầy Nguyên chân đất” đi học thạc sĩ làm xôn xao cả xóm nhỏ ở huyện Điện Bàn. Kế hoạch là năm năm nhưng mới hai năm thầy đã làm xong luận án. Rồi thầy tiếp tục học lên tiến sĩ và được mời làm trưởng khoa Việt Nam học – du lịch của đại học Phan Châu Trinh, lại trực tiếp đứng lớp và dìu dắt một thế hệ học trò mới. Công việc nhiều bận rộn, còn phải ở nhờ nhà bè bạn nhưng thầy dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho nghề. Nhà xuất bản Giáo Dục vừa phát hành ba quyển sách do thầy làm chủ biên, đó là các quyển Kiến thức trọng tâm và bài tập thực hành Ngữ văn lớp 10, 11 và 12. Chưa dừng lại ở đó, thầy còn đang tập trung biên tập cho bậc trung học những quyển sách tương tự. Quyển Thơ mới 1932 – 1945 nhìn từ sự vận động thể loại của thầy vừa ra mắt người đọc, và thầy thì đang hoàn tất bản thảo để cho ra đời tập thơ Rơm rạ của mình.

Gò Nổi, vùng đất khổ đã từng là một mảnh đất cháy khô, nhiều bom đạn… Cứ tưởng những khó khăn ngày đó sẽ làm thui chột những ước mơ, thế nhưng câu chuyện “thầy Nguyên chân đất” trở thành tiến sĩ đã là niềm tự hào của bao lớp học sinh và người dân vùng này, vẫn được các thầy cô trường THPT Phạm Phú Thứ kể lại với học trò như một tấm gương sáng. Bài học về nghị lực của một thầy giáo nghèo, ở một vùng quê nghèo biết ước mơ, dám thực hiện ước mơ cũng đã gieo cho bao lớp học trò ở Gò Nổi niềm tin rằng mình rồi cũng sẽ đi xa hơn mái trường cấp ba ở vùng quê xa xôi của tỉnh miền Trung nắng gió.

Lao động không ngừng, học tập không ngừng, thầy trở thành tấm gương sáng của nhiều thế hệ học sinh; là câu chuyện mà học trò Gò Nổi có đi xa, có thành đạt đến đâu, mỗi khi gặp lại đều kể về thầy với rất nhiều yêu kính. Và chúng tôi biết được thầy qua câu chuyện Người thầy của nhân cách, niềm tin và nghị lực mà Tường Vy đã viết, gửi về cuộc thi Nét bút tri ân.

Bài và ảnh: Bích Uyên

 

Bản quyền © 2011 Ngân Hàng Đông Á | Email: 1900545464@dongabank.com.vn
130 Phan Đăng Lưu, P.3, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: (848) 39951483 - Fax: (848) 39951614 - Swift Code: EACBVNVX