Bà giáo tận tuỵ mở lớp tình thương Không lương bổng, không nơi dạy học, cũng không bàn
ghế, vậy mà bà giáo Hoa vẫn kiên quyết dựng lớp. Bà đi vận động học
sinh, vận động cả giấy viết, quần áo… Vốn liếng ban đầu mở lớp, chỉ đơn
giản là một chữ thương của người bà, người mẹ, người giáo viên Đặng Thị
Hoa đối với đám trẻ nhập cư thất học nơi đây...
Bà giáo Đặng Thị Hoa 13
năm gắn bó với lớp học tình thương
Lớp học tình thương ấp Giãn Dân, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM được hình thành từ những thiếu thốn như thế. Mở lớp từ những con số không Từ nhỏ, cô Đặng Thị Hoa có hai ước mơ, đó là trở thành y tá chăm sóc bệnh nhi hoặc cô giáo dạy tiểu học, vì làm hai nghề đó cô được gần gũi để chăm sóc trẻ con. Rồi cô đến với nghề gõ đầu trẻ, đang hạnh phúc và hăm hở với nghề thì căn bệnh ung thư cùng ba lần phẫu thuật gần như liên tiếp đã khiến cô không đủ sức khoẻ tiếp tục đứng trên bục giảng. Về hưu sớm, cô Hoa cùng chồng sống trong căn nhà nhỏ ở ấp Giãn Dân, phường Long Bình, quận 9. Những tháng ngày đó tuy an nhàn, nhưng với cô là những ngày vô cùng khó khăn. Cứ rảnh tay, cô lại nhớ, và kiếm việc gì đó để làm, cố gắng thật bận rộn để xoá đi hình ảnh bục giảng, phấn trắng, bảng đen và đặc biệt là tiếng bi bô của học trò ngày xưa cô đứng lớp. Cứ tưởng cái duyên đến với trẻ của cô đã khép lại từ đó. Cho đến năm 1999, các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh về ấp Giãn Dân này tổ chức lớp hè cho thiếu nhi. Những ngày cuối của chiến dịch, cô nghe rộn rã nên ra xem, vô tình nghe được hai phụ huynh nói với nhau: “Thiệt khổ hết sức, mấy đứa Mùa hè xanh đi rồi, sắp nhỏ lại thất học, mù chữ trở lại...” Với trái tim nhạy cảm của một người từng đứng trên bục giảng, cô nghe mà xót xa, thế là quyết định mở lớp học tình thương. Cô bàn ý định của mình cho chồng, vốn là một cán bộ cũng tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện. Thế là hai vợ chồng già chung tay lo toan cho việc ra đời một lớp học, mà khởi đầu của nó là những con số không. Nhưng đáng lo hơn hết là chuyện đi học thất thường của lũ trẻ. Để có được sĩ số 60 của lớp học tình thương thật không dễ, bà giáo đã phải lặn lội đến từng nhà vận động. Những đứa trẻ không hộ khẩu, không nhà cửa, thậm chí chưa có giấy khai sinh đã được đến trường. Học trò của bà giáo không ít đứa đi bán vé số, đánh giày... tranh thủ nghỉ làm vài tiếng đồng hồ để đến lớp. Bà giáo tâm sự: “Khác với trẻ được đi học từ nhỏ, tay tụi nhỏ này cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được”. Cùng vượt qua gian khó Hai vợ chồng chung tay
gầy dựng lớp
Mười ba năm qua, bằng tình thương cùng niềm khát khao gieo và nhận con chữ, lớp học nhỏ đã vượt qua bao khó khăn. Lớp học tình thương phường Long Bình giờ đã thay đổi nhiều: không còn cảnh mỗi ô gạch là cái ghế, không còn những lần mưa là cô trò chân ngâm trong nước lạnh, ngồi chồm hổm nắn nót từng con chữ, bà giáo cũng không còn đi đến từng nhà năn nỉ cha mẹ cho các em đến lớp, vì bây giờ, lớp học của bà đã được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, trở thành lớp phổ cập của phường và là mái nhà thân thương của bao đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây. Dù đã là một cụ bà cao niên, nhưng cô giáo Hoa vẫn thường xuyên hoà cùng sự ngây thơ của trẻ con bằng những bài hát hay điệu múa. Với phương pháp học mà chơi, chơi mà học, những giờ học của cô Hoa luôn sôi nổi và thu hút. Tạo sự thi đua giữa các nhóm trong lớp, thường xuyên ra các bài tập “chạy” là phương pháp cô thường dùng để kích thích tinh thần học tập của các em. Lớp tình thương của cô còn đặc biệt ở chỗ ngoài nội dung bài học, cô dành nhiều thời gian quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Em nào đến lớp chưa ăn sáng, em nào có chuyện buồn là cô biết ngay, gọi em ra ngoài để chia sẻ và động viên. Mười ba năm qua, dạy được bao nhiêu học sinh, đứa nào đã có vợ có chồng, đứa nào đã học lên đến 12, đứa nào học giỏi… cô đều có thể kể một mạch với niềm tự hào khó tả. Có lẽ, nghề giáo già với cô, không đơn giản chỉ là cái duyên, cái nợ, mà là cái nghĩa cái tình nặng sâu đeo đuổi cô suốt cả cuộc đời. Thanh Hà |
||||
|