Nỗi đau nhân đôi Trong phòng số 5, khoa nhi, bệnh viện Ung bướu TP.HCM có hai người mẹ trẻ: cô giáo Phạm Huỳnh Thu Hằng sinh năm 1986, giáo viên trường tiểu học Hanh Thông, quận Gò Vấp, TP.HCM và cô Nguyễn Thị Hồng Thuý, sinh năm 1985, giáo viên trường mầm non Tuổi Ngọc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Hai người mẹ ấy đều phải xin tạm ngưng công việc giảng dạy của mình để được ở bên những đứa con đang đứng bên bờ vực sinh tử… Cô Thuý (bên trái) và cô Hằng cùng hai con tại bệnh viện Ung bướu Nỗi đau chia đôi Ngẫu nhiên mà hai bà mẹ, hai cô giáo trẻ ấy có cùng một nỗi đau chung: hai đứa con bé nhỏ của các cô đều mắc bệnh ung thư! Mỗi người một cảnh, đau niềm đau chung, họ san sẻ cho nhau những âu lo, những buồn vui trong thời gian nuôi con ở bệnh viện. Ra trường, về làm giáo viên phụ trách đội cho trường tiểu học Hanh Thông chưa được bao lâu thì Hằng phải xin nghỉ việc không lương để chăm sóc con vì bé Quỳnh Anh từ khi ra đời cứ liên tục ốm đau không rõ nguyên do. Ngày phát hiện con mình mắc bệnh ung thư, đó cũng là lúc cô giáo trẻ ấy tưởng mình không sống được. Cha mẹ chia tay nhau, mẹ ở nhà thuê cùng với các em, Hằng lập gia đình nên cũng phải thuê nhà để ở. Trước đây, gia đình nhỏ của Hằng có thể chắt chiu sống được nhờ lương dạy học của Hằng, nhờ thu nhập từ việc làm thuê của chồng, còn bây giờ mọi thứ đã ngoài tầm với. Vậy nên, vay mượn khắp nơi, người mẹ trẻ ấy cũng không sao đủ tiền lo thuốc thang cho con. Hàng ngày, trong bệnh viện, người ta vẫn nhìn thấy Hằng cần mẫn ngồi móc tay những chiếc ví nhỏ để đựng điện thoại, vừa luôn miệng dỗ dành con khi Quỳnh Anh lên cơn đau, quấy khóc. Số tiền ít ỏi bán những chiếc ví ấy, Hằng dành dụm để mua thuốc cho con. Bên cạnh giường của Hằng và bé Quỳnh Anh, hai mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thuý cũng đang đếm ngược từng ngày. Đứa con trai bé nhỏ của cô, bé Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ vừa hơn hai tuổi. Khi Thuý đưa con từ Cần Thơ lên chữa bệnh, Tuấn hãy còn chưa biết nói mà giờ đây, Tuấn đã biết khóc, biết kêu đau… Được chẩn đoán là bướu vùng chậu di căn sang gan, đã mấy lần Thuý tưởng đã không thể giữ được sự sống cho con, đã khóc hết nước mắt khi thấy con mình không ăn không uống, chỉ toàn ói ra máu tươi. May mà Tuấn còn ở lại bên cạnh mẹ. Mừng là mừng vậy nhưng kiếm tiền để chạy chữa cho con lại là một gánh nặng với cô. Đã phải xin nghỉ không lương để theo con nuôi bệnh, số tiền anh Long, chồng Thuý kiếm được từ việc đi làm thuê cũng chẳng thấm vào đâu. May mắn hơn Hằng là Thuý còn nhờ vả ít nhiều vào cha mẹ ruột. Hàng ngày, trong bệnh viện, hai người mẹ trẻ và bốn nỗi đau ấy hoà lại với nhau. Họ san sẻ với nhau từng cơn đau của con, cùng mỉm cười trong nước mắt khi con bất ngờ có những phút giây khoẻ mạnh, biết đòi ăn. Họ kể chuyện cho con nghe rồi cùng bật khóc khi nghe các con đớt đát bảo rằng mai mốt lớn lên sẽ đi học, sẽ đọc được những quyển truyện tranh… Đưa con đến cổng thiên đàng Mấy hôm nay bé Tuấn trở bệnh nặng, các bác sĩ đã chuyển Tuấn trở về bệnh viện Nhi Đồng để mổ. Mẹ Thuý đã hoảng loạn gọi cho chúng tôi trong nước mắt: “Tuấn nó không ăn uống gì nửa tháng nay, chắc là em không giữ được cháu nữa rồi…” Vào thăm Tuấn và Quỳnh Anh, hai đứa trẻ đều đang lên những cơn đau, luôn miệng kêu khóc. Chứng kiến hai người mẹ trẻ xót con mà không ai cầm lòng được. Tuấn và Quỳnh Anh là con đầu lòng của hai cô giáo trẻ. Biết làm sao để gánh chịu thay con những đớn đau thể xác? Biết làm sao để động viên các cô khi sức của các bé mỗi ngày một yếu đi? Trong khuôn viên bệnh viện Ung bướu có một công viên nhỏ. Hàng ngày, người ta vẫn thường nhìn thấy hai bà mẹ trẻ ấy đến để thắp nhang. Không phải là nơi thờ cúng, đó chỉ là nơi để những người cùng quẫn trong đớn đau, mất mát tìm đến cầu khấn kéo dài thêm những giây phút được ở bên cạnh con khi nỗi tuyệt vọng tràn ngập… Nếu như có một điều ước trên đời, xin ước cho những đứa trẻ không phải đứng trước cửa thiên đàng khi còn quá trẻ! Bài và ảnh: Bích Uyên |
||||
|