Một câu chuyện mới lại bắt đầu Tháng 6, chuyến công tác dài ngày ở Đà Nẵng đã đưa những người thực hiện chương trình Tiếp sức người thầy về thăm lại thầy Trần Đức An, cô Nguyễn Thị Thuỷ và em Trần Đức Trung (Khóc lá xanh, SGTT 19.10.2009). Bữa cơm gia đình đầm ấm được dọn ra để mời những người quen cũ, mà từ lâu, vốn đã gần gũi như những người thân. Vẫn mái nhà nhỏ bên dòng Tuý Loan, dấu vết của trận lũ năm 2009 hãy còn in hằn trên vách gỗ; vẫn mảnh đất nhỏ trồng rau lang của gần hai năm trước, nhưng mọi thứ dường như đã được hồi sinh. Và Tiếp sức người thầy kỳ này, xin kể về một câu chuyện cũ…
Nỗi đau ngày cũ Gần hai năm trước, khi đến thăm nhà thầy cô ngay sau cơn lũ dữ, tôi đã viết về hoàn cảnh của thầy An và cô Thuỷ bằng những xúc cảm khó quên: “Ngày 29.9, bão số 9 ầm ào kéo vào miền Trung. Căn nhà gỗ nhỏ xíu của thầy An, cô Thuỷ bị nhấn chìm trong lũ dữ. Con sông Tuý Loan hiền hoà chảy ngang nhà bỗng chốc trở nên hung hãn. Đứa con trai lớn của thầy cô chỉ kịp mang ít tài liệu, giáo án của mẹ cha gửi sang nhà hàng xóm rồi đưa bà nội tìm nơi tránh bão. Chẳng mấy chốc nước dâng hơn nửa nhà, cuốn trôi mọi thứ, cuốn theo cả mớ tài sản ít ỏi của họ. Bão tan, cái vạt rau bà nội trồng trên mảnh đất lớn hơn manh chiếu trước cửa nhà chỉ còn loe hoe vài cọng đầy bùn đất, chái nhà sau cũng sập trong cơn mưa bão. Đồ đạc trong nhà vốn chẳng có gì đáng giá cũng cái còn, cái mất, ướt sũng nước…” Tôi đã khóc. Bởi không chỉ chứng kiến những mất mát, hoang tàn sau bão ấy mà còn chia sẻ được với thầy cô những nỗi đau khi biết thầy cô phải đếm ngược từng ngày vì chứng ung thư đang giày vò cơ thể của đứa con trai nhỏ chuẩn bị vào lớp sáu. Những ngày vào điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM là những ngày Đức Trung đau đớn nhất. Vết mổ ở ngực vừa liền da nhưng ảnh hưởng của những lần vào thuốc làm em kiệt sức. Mười hai tuổi, nhìn thấy những bệnh nhi khác đột ngột ra đi, em đủ lớn để hiểu mình sẽ khó mà ở lâu bên ba mẹ. Tôi còn nhớ như in những giọt nước mắt của thầy cô và cả cái đớn đau, tuyệt vọng trên hai gương mặt hiền lành ấy khi nói về mơ ước của con mình: “Trung nó khóc đòi được về trường để dự lễ khai giảng năm học. Cháu bảo rằng nếu khoẻ lại, được đi học lại, có đi ăn mày cháu nó cũng ưng…”
Chờ những tin vui Ngày đưa Trung về trường dự lễ khai giảng, nhìn nước mắt người mẹ, người cha rơi khi đưa con đến lớp với mái đầu không còn tóc, với những cơn ho mệt lả cả người, không ai trong chúng tôi giấu được xót xa. Đến với thầy An, cô Thuỷ, chúng tôi không dám tin mình sẽ giữ được Trung, chỉ mong những gì mình viết sẽ được bạn đọc đồng cảm, để sự chia sẻ làm cho thầy cô bớt đớn đau. Và không biết tự bao giờ, chúng tôi đã trở thành những người thân để thầy cô báo tin về diễn biến bệnh của Trung. Những chuyến công tác ngang nhà, chúng tôi lại ghé qua, xin cô một bữa cơm rau. Những lần thầy đưa Trung vào Sài Gòn tái khám, bận mấy cũng tranh thủ vào thăm để nhìn thấy Trung khoẻ hơn một chút. Gần hai năm đã trôi qua, Trung bây giờ đã trở thành một cậu thiếu niên cao lớn, tóc đã mọc dài ra và em đang chuẩn bị vào lớp 8, đã có thể ra đồng đá bóng cùng bè bạn. Những chia sẻ từ Tiếp sức người thầy không nhiều, nhưng sự lan toả đã đến được với những ai đồng cảm. Số tiền các nhà hảo tâm đóng góp đã phần nào giúp thầy cô có thêm điều kiện để chữa bệnh cho Trung, để ngày hôm nay, em gần như đã vượt qua bệnh dữ. Vẫn còn đó nỗi lo bởi mỗi tháng ba mẹ vẫn phải đưa con vào Sài Gòn tái khám, nhưng giờ đây thầy cô đã bớt gầy mòn xanh xao bởi những đêm thức trắng khóc con. Không giấu được niềm vui, thầy An cho biết vẫn còn khó khăn nhiều, nhưng thầy đang dành dụm để sửa lại ngôi nhà nhỏ của mình bởi nó đã quá cũ mục. Những hoang tàn sau bão rồi cũng qua. Vạt rau lang trước sân đã xanh um trở lại. Bão kéo qua cũng để lại ít phù sa! Và một câu chuyện mới lại bắt đầu... Còn chúng tôi, những người thực hiện chương trình Tiếp sức người thầy, lại đang tiếp tục trên đường, viết tiếp Những điều thầy chưa kể… (*) Bài và ảnh: Bích Uyên (*) Tên ca khúc chủ đạo của chương trình Tiếp sức người thầy do nhạc sĩ Trần Thanh Sơn sáng tác. |
||||
|