Thầy cô về hưu lo ăn lo học

( Thầy Nguyễn Văn Mốt thăm hỏi các em học sinh đến ăn tại bếp ăn khuyến học. Ảnh: Bích Uyên )

 

Nơi đó rất khang trang, tấm bảng ghi “Bếp ăn khuyến học” treo trang trọng trên cao. Từ 10 giờ rưỡi trở đi, 163 em học trò nghèo đang theo học tại các trường cấp ba trong thị xã lần lượt đạp xe đến để nhận những suất ăn miễn phí. Đó cũng là nơi các em có thể ngồi lại nghỉ ngơi, thay trang phục chờ giờ học buổi chiều. Thầy Nguyễn Văn Mốt, chủ tịch hội Cựu giáo chức thị xã Sa Đéc cho biết, bếp được gầy dựng từ những hôm ông thấy các em học sinh nghèo nhà ở rất xa phải qua loa một ổ bánh mì hoặc nhịn đói để học cả ngày. Có nhiều năm kinh nghiệm với bếp ăn từ thiện tại bệnh viện thị xã, ông tin sẽ có nhiều người chung sức với mình. Ý kiến lập ra bếp ăn khuyến học được các nhà giáo đã nghỉ hưu đang sinh hoạt trong hội nhiệt tình ủng hộ. Các thầy cô giáo đang tham gia giảng dạy tại địa phương và những người hảo tâm cũng hứa sẽ chung tay.

Mọi việc chuẩn bị đều sẵn sàng nhưng tìm kinh phí để duy trì bếp và tìm nơi ổn định để mở bếp lại là điều không dễ. Vậy là thầy Mốt ở tuổi 73 lại ngược xuôi, đi tìm gặp những người có cùng chí hướng. Lý do để ông Trần Văn Lang tình nguyện cho mượn ngôi nhà rộng 8m, dài 23m nằm ngay trung tâm thị xã cũng thật đơn giản: “Tôi có những ngày đi học nghèo khó, giờ là doanh nghiệp nhỏ, có một mái nhà riêng, tôi nghĩ đến mái nhà chung. Các thầy cô đã lớn tuổi mà có tấm lòng với các em học trò nghèo thì tại sao tôi không thể?” Và rồi, nơi đó trở thành mái nhà chung đỏ lửa, giúp các em học sinh nghèo được ấm bụng, no lòng.

Lo cả tương lai

Nói đến cơm từ thiện, nhiều người sẽ nghĩ đó là những bữa ăn sơ sài, cốt chỉ để no. Thế nhưng có đến đây, nhìn các thầy cô cẩn thận chăm lo từng món ăn cho các em mới thấy hết tấm lòng của người thầy đối với học trò nghèo. Dẫu đã ở cái tuổi nghỉ ngơi, vui vầy con cháu, các thầy cô vẫn dành một khoản thu nhập từ lương hưu để chia sẻ với bếp ăn, dành nhiều thời gian để chăm chút cho các em những bữa cơm ngon miệng. Gần mười nhà giáo về hưu, thêm chừng ấy giáo viên đang đứng lớp cùng với nhiều phụ nữ địa phương, các cô chia nhau ra thành bảy nhóm, thay phiên nhau nấu ăn cho bảy ngày trong tuần. Vất vả, bận rộn nhưng ai cũng nở nụ cười. Không thịt thì cá, tép; phải có canh, rau và cả trái cây tráng miệng. Món nào cũng được chăm chút cho sạch sẽ, đủ chất, để không chỉ no bụng, các em còn có đủ dinh dưỡng cho một ngày đi học. Được chia phần và đặt vào khay cẩn thận, những phần cơm không chỉ ngon mắt mà còn được “nấu” lên từ những yêu thương.

Để có những bữa ăn tươm tất như vậy, bếp ăn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều bà con, những người hảo tâm trong thị xã. Một túi bột ngọt, chục cục than đá, hai ký đường cát, chục ký gạo cho đến những số tiền lớn đều được ghi nhận một cách trân trọng, công khai trên những tấm bảng ghi nhận đóng góp. Và dường như cũng hiểu được bữa cơm mình ăn được chắt chiu từ lòng hảo tâm của biết bao người, em học sinh nào cũng biết tự mình góp một tay: tự bưng thức ăn, tự dọn rửa… Đã đến đây xin được ăn cơm thì em nào nhà cũng nghèo. Em Diễm Trinh, học sinh lớp 11A1 trường THPT thị xã Sa Đéc tâm sự: “Nhà em ở cách trường gần mười cây số, ba đi làm thuê, mẹ bệnh, một em trai còn đang đi học. Khi chưa có bếp ăn của các thầy cô, em thường ăn bánh mì, có khi nhịn đói. Bây giờ gia đình em đã đỡ được một gánh nặng…”

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những bữa ăn, các em học giỏi có hoàn cảnh nghèo khó còn được hội Cựu giáo chức thị xã Sa Đéc giúp đỡ phương tiện và điều kiện học tập thông qua sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mai này, những em học sinh được ăn những bữa cơm khuyến học chắc chắn rồi sẽ đi xa, sẽ có một tương lai tốt đẹp, nhưng có lẽ câu chuyện về tấm lòng của những người thầy người cô đã ở tuổi về hưu trong từng bữa ăn ngày hôm nay khó thể nào quên.

bài và ảnh: Bích Uyên

Ngân hàng Đông Á đồng hành cùng chương trình Tiếp sức người thầy.

Câu chuyện xúc động về bếp ăn khuyến học của hội Cựu giáo chức thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sẽ được gửi đến khán giả trong chương trình Tiếp sức người thầy phát sóng lúc 21 giờ 40 phút thứ ba 19.4 trên kênh HTV9. Rất mong nhận được sự chung tay san sẻ của quý khán giả để bếp ăn có thêm nguồn kinh phí duy trì hoạt động và các em tiếp tục nhận được những bữa ăn tươm tất. Mọi đóng góp, xin gửi về: báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 08.39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gởi vào tài khoản: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.

 

Bản quyền © 2011 Ngân Hàng Đông Á | Email: 1900545464@dongabank.com.vn
130 Phan Đăng Lưu, P.3, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: (848) 39951483 - Fax: (848) 39951614 - Swift Code: EACBVNVX