Về hưu vẫn không bỏ nghiệp “đưa đò”
Thời còn trẻ, thầy đã xông xáo vượt hàng trăm cây số đường sông, đường tàu và cả đường rừng để mang tre, mang lá về dựng thêm phòng học cho các trường tiểu học ở quận 12 (TP.HCM). Hơn bốn mươi năm qua, thầy bám trụ cùng trường lớp với nhiều vai trò khác nhau: dạy học, phụ trách phong trào, hiệu trưởng… Ngày về hưu, người thầy ấy lại lặng lẽ chọn cho mình một mái trường để sống và làm việc với lý do: “Tôi vẫn chưa tròn nghiệp đưa đò”.
Ảnh: Dù đã về hưu, thầy Hải vẫn gắn bó, tận tuỵ với công việc dạy học.
Con người giàu tâm huyết đó là thầy Nguyễn Thanh Hải, hiện đang làm quản lý và phụ trách giảng dạy tại trung tâm Học tập cộng đồng quận 12.
Khi nào nhắm mắt mới trọn…
Kể về chuyện ngày xưa, mắt thầy Hải vẫn còn đầy háo hức: “Ngày đó học sinh mình đông quá mà trường thì chỉ có mấy phòng. Thế là thầy cô và cả phụ huynh học sinh cùng bàn nhau người góp của người góp công dựng thêm lớp học. Tất cả mọi người phải làm ròng rã hai tháng hè mới hoàn thành được tám phòng, giải quyết thêm mấy trăm học sinh đến trường trong năm học mới chứ ít gì. Hồi đó cực mà quyết tâm ghê lắm!” Với sự quyết tâm và đồng lòng đó, chuyện vượt sông chở tre, lồ ô và lá từ rừng sâu về trường trong những cơn mưa tầm tã hay những chuyến xe bò vào ra nhộn nhịp chở cát, chở gạch trên con đường đất đỏ mịt mù bụi trở thành chuyện nhỏ. Đến những người thầy còn rất trẻ như thầy Hải, trước đây chỉ biết đến phấn trắng bảng đen thì cũng tận tay vào rừng chẻ tre, dựng cột, trộn đất đắp vách… “Lâu quá rồi, kể lại thấy mình giờ vô dụng quá, không giúp được nhiều cho tụi nhỏ”, thầy Hải cười xoà khoát tay.
Ngày về hưu, thầy Hải lặng lẽ rời căn nhà nhỏ của mình để dọn vào trung tâm Học tập cộng đồng quận 12, tiếp tục nghiệp “đưa đò”. Từ ngày ấy đến nay đã tám năm thầy sống và dạy học tại trung tâm, vẫn cuộc sống đạm bạc, vẫn cái dáng gầy gò, vẫn chiếc xe đạp cọc cạch qua mọi nẻo đường gieo chữ... Để từ đó, những lớp học đặc biệt lần lượt ra đời. Chưa một ngày mỏi mệt hay muốn dừng chân, thầy tâm sự: “Về hưu lâu rồi tôi vẫn thấy mình chưa tròn với nghiệp đưa đò. Chỉ bao giờ mình nhắm mắt, lúc đó mới trọn nghiệp.” Và câu chuyện tiếp tục bằng mơ ước của thầy về một môi trường học tập tốt trong xã hội, nơi gặp gỡ và trau dồi tri thức của tất cả mọi người.
Ước mơ xây dựng xã hội học tập
Thầy Nguyễn Thanh Hải bắt đầu ngày mới tại trung tâm học tập cộng đồng vào lúc 5 giờ sáng với công việc đầu tiên là quét sân, tưới cây. Với thầy, làm sạch đẹp nơi đây cũng là một trong những việc cần thiết để tạo môi trường học tập tốt. Rồi thầy cặm cụi chuẩn bị vật dụng cần thiết cho hoạt động của các câu lạc bộ sắp diễn ra tại trung tâm. Xã hội học tập là một môi trường học tập rộng mở mà tất cả mọi người đều tham gia, câu lạc bộ dưỡng sinh dành cho người cao tuổi, câu lạc bộ cầu lông dành cho thanh niên, hay câu lạc bộ văn thơ ra đời cũng với mục đích thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia học tập lẫn nhau.
Tại trung tâm, thầy Hải còn mở ra các lớp học phổ cập từ cấp 1 đến cấp 3 đều do thầy trực tiếp giảng dạy. Lớp học văn hoá dành cho người khiếm thị cũng là một nỗ lực lớn của người thầy giàu tâm huyết này. Lớp chỉ có khoảng mười học sinh, lại thêm chuyện nắng mưa, đau ốm nên học sinh đến lớp không thường xuyên. Sợ các em hôm sau đi học không hiểu bài nên hầu như ngày nào thầy cũng cầm tay chỉ dẫn tận tình từng em một. Với thầy, dạy học đầu tiên là phải truyền được tình yêu thương và niềm say mê. Do vậy, dù cả ngày tất bật với hàng chục lớp học và câu lạc bộ, thầy vẫn dành thời gian chia sẻ cùng học trò ngay tại căn phòng nhỏ của mình. Các lớp học khuyến nông ngắn hạn cũng ra đời tại trung tâm gần bốn năm nay. Tuy không thể trực tiếp đứng lớp nhưng để có được những giờ học như thế, thầy Hải phải đi đến từng nhà phát tờ rơi mời bà con nông dân tham gia. Để có những giờ đi thực hành thực tế tại vườn một hay nhiều ngày, thầy lặng lẽ đứng phía sau chuẩn bị tất cả. Vất vả là vậy nhưng với thầy vẫn chưa đủ: “Xã hội học tập mà, có bao giờ là đủ. Qua năm tới tôi còn hợp tác với một số trường năng khiếu để mở lớp học dành cho những em đam mê nghệ thuật hát, múa, vẽ tranh… không thì thiệt thời cho mấy em nghèo có năng khiếu lắm!”
Tám năm với tình yêu và tâm huyết của ông giáo già này, trung tập Học tập cộng đồng quận 12 đang từng bước chuyển mình hoàn thiện hơn, và đã trở thành mái nhà chung, là điểm hẹn tri thức cho bao người con ở quận ven này.
Thanh Hà
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Người thầy hiến đất xây trường
(18/08/2011)
-
Tiến sĩ chân đất ở Gò Nổi
(09/08/2011)
-
Bà giáo tận tuỵ mở lớp tình thương
(02/08/2011)
-
Người im lặng xây mái nhà chung
(27/07/2011)
-
ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA - UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
(25/07/2011)
-
20 năm lo chữa bệnh cho chồng
(25/07/2011)