Thông tin hoạt động 27/07/2011

Người im lặng xây mái nhà chung

Căn phòng trọ nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM vào một ngày mưa dầm. Có một chàng thanh niên lặng lẽ ngắm mưa, rồi anh vẽ người hành khất đi về trong cơn mưa bằng những gam màu vàng xám buồn tẻ...

 



Giờ học ngoài công viên dành cho người điếc câm

Đó là Đoàn Phạm Khiêm, một chàng trai kém may mắn, không thể nghe và không thể nói. Từ lâu, Khiêm đến cuộc sống này bằng tấm lòng của người mẹ và đôi mắt nhạy bén với hình ảnh, màu sắc.

Không ngừng cố gắng

Ngày nhỏ, Khiêm là cậu bé kháu khỉnh và hoàn toàn lành lặn. Không may, khi cậu lên ba đã bị bệnh nặng, do tiêm thuốc quá liều nên sau khi lành bệnh Khiêm đã vô cảm với mọi âm thanh. “Ngày Khiêm còn nhỏ, có lần tôi dạy mãi Khiêm không hiểu. Quá tức giận, tôi đã đánh con và chửi con sao ngu quá vậy. Khiêm không khóc mà bảo tôi hãy bịt tai lại, bịt thật chặt sẽ hiểu con hơn. Tôi thử bịt lại. Và chỉ trong vòng 30 giây không âm thanh ngắn ngủi đó thôi, nước mắt tôi đã trào ra. Tôi ôm Khiêm, hai mẹ con cùng khóc…” Cô Phương Thảo đến giờ vẫn không thể nén được xúc động khi nhắc đến kỷ niệm cùng cậu con trai bị điếc câm Đoàn Phạm Khiêm của mình. Từ đó, cô Thảo bước vào thế giới của Khiêm. Cô học ngôn ngữ của người điếc câm, luôn đồng hành cùng Khiêm và là chỗ dựa vững chắc những khi con mệt mỏi.

Không ai hy vọng gì nhiều vào ngày mai của một cậu bé điếc câm, nhưng Khiêm đã khiến mọi người ngỡ ngàng lẫn khâm phục khi là người điếc câm đầu tiên đậu vào đại học chính quy, đại học Mỹ thuật TP.HCM với số điểm cao chót vót: 29,5. Để đạt được điều đó, Khiêm thật sự đã đánh vật với từng tiết học, đặc biệt là môn văn. Cậu phải nhìn vào khẩu hình của giáo viên để đoán nội dung, đoán ý rồi gom ý lại, viết ra giấy hỏi bạn, hỏi mẹ. Còn với những môn vẽ cứ sai tới đâu sửa tới đó. Thầy nhìn vào hình rồi gạch chéo những điểm sai và vẽ sang bên cạnh, Khiêm nhìn vào đó rút kinh nghiệm. Rồi tối nào cũng vậy, Khiêm bò ra sàn nhà vẽ đến tận khuya rồi lăn ra ngủ lúc nào không hay. “Ấy vậy mà khi tôi đến để đưa Khiêm vào giường, nó giật mình tỉnh lại học tiếp. Lại còn ra dấu: “Con phải đậu đại học cho mẹ vui lòng”, cô Phương Thảo, mẹ Khiêm kể.

Ước mơ về một mái nhà chung

 


Những chiếc áo của Hội người điếc câm TP.HCM vừa được in

Nhưng trở thành sinh viên chỉ là một phần nhỏ trong ước mơ của Khiêm và mẹ Thảo, câu chuyện và con đường để tập hợp những bạn điếc câm cùng cảnh ngộ dưới một mái nhà mới thật sự gập ghềnh và thử thách hai mẹ con. Lớp học chữ dành cho người điếc câm và lớp học ngôn ngữ cơ thể dành cho người bình thường là hoạt động đầu tiên trên đường xây dựng mái nhà chung đó. “Luôn đồng hành cùng nhau, muốn hiểu hãy bịt tai lại, mở trái tim ra” là thông điệp họ muốn chia sẻ để gắn kết tất cả lại với nhau qua hai lớp học đặc biệt đó.

Để có được lớp học dành cho người điếc câm, Khiêm cùng mẹ Thảo đã phải đi khắp nơi xin ba mẹ cho các bạn đến lớp. Rồi Khiêm chia lớp ra làm các lớp: học chữ, làm tính, lớp học về pháp luật để các bạn không bị kẻ xấu dụ dỗ và lớp học kỹ năng sống giúp các bạn nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống. Mỗi tuần một lần, cả lớp cùng nhau đi nhà sách hay công viên, cùng chơi trò chơi và trò chuyện, tâm sự với nhau. Còn với người bình thường, Khiêm mở lớp dạy ngôn ngữ cơ thể miễn phí với ước muốn “họ hiểu mình nói, họ sẽ hiểu thế giới của mình và bạn bè mình”. Vừa đi học, vừa đi dạy bận rộn là thế, nhưng có thời gian rảnh Khiêm lại tất bật với ước mơ “mái nhà điếc câm” của mình.

Những ngày chương trình Tiếp sức người thầy tiếp xúc với Khiêm là lúc căn nhà thuê nhỏ của hai mẹ con Khiêm đang rất náo nhiệt. Người khiêng bàn ghế, người lắp kệ sách, người trang trí phòng… Còn Khiêm thì hí hoáy với mấy chục bảng thiết kế logo. Hỏi ra mới biết tất cả đang hồ hởi chờ đợi ngày nơi đây trở thành văn phòng mang tên “Hội người điếc câm TP.HCM”. Vẫn còn đó một chặng đường rất dài, rất xa để thực hiện ước mơ xây dựng được một mái nhà, mà nơi đó họ có trường học, có công xưởng làm việc, có công viên, sân chơi thể thao… Nhưng với tình yêu và niềm mong mỏi được gắn kết với nhau của những người bạn kém may mắn này, chúng tôi tin họ đã có được một nền móng thật vững chắc cho mái nhà chung hạnh phúc đó.

Thanh Hà

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác