Nỗi đau của vợ chồng thầy giáo ở vùng sâu
Họ lại vừa trở về từ bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Chồng bế con, còn vợ thì tất tả bước theo che mấy lớp khăn trên gương mặt đứa trẻ bé xíu và gầy yếu. Đôi lúc nước mắt lại lăn dài trên gương mặt đôi vợ chồng trẻ nhưng thường trực trên mặt họ là nỗi lo âu, mệt mỏi...
Cô Thi cùng bé Xuân đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. |
Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc và gây xót xa với không ít người dân trong con hẻm nhỏ trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp. Và câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ với đứa con chưa đầy ba tháng tuổi mắc chứng bệnh hiểm nghèo này đã đến với chương trình Tiếp sức người thầy
Nơi gặp của những trái tim tình nguyện
Đôi vợ chồng trẻ trong câu chuyện là thầy Lê Thọ Dũng, giáo viên trường tiểu học Đak Nhau và cô Trần Thị Nhị Thi, giáo viên trường tiểu học Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Thầy Dũng vốn quê ở Thanh Hoá, còn cô Thi thì sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Theo tiếng gọi của chương trình thanh niên tình nguyện lên vùng núi dạy học, thầy cô đã đến với huyện Bù Đăng xa xôi. Gặp nhau trong một đêm sinh hoạt thanh niên ở Bù Đăng, thầy cô đã yêu nhau và kết hôn hai năm sau đó. Tổ ấm của hai người là căn nhà nhỏ nằm trong khu tập thể giáo viên của trường tiểu học Đoàn Kết. Nói là nhà nhưng thực ra chỉ là căn phòng nhỏ rộng chừng 25m2, được dựng lên từ lâu nên nhiều chỗ đã mục nát.
Chúng tôi tìm đến nhà thầy cô vào một ngày Bù Đăng mưa tầm tã. Vượt hơn hai trăm cây số từ TP.HCM trở về coi ngó nhà, thầy Dũng xem chừng đã mệt lả và thấm lạnh. Thế nhưng khi mở chiếc khoá cửa đã sét gỉ bước vào nhà thì nước mưa cũng đã xăm xấp nền bên trong. Thầy Dũng cười gượng: “Mưa gió là thế đấy, đợi tí tôi sửa lại cái mái đã, không thì chút nữa chả biết ngồi đâu nói chuyện”. Rồi thầy lấy bịch đinh cùng mấy mẩu giấy gấp tư cất sẵn trong học tủ ra, lụi hụi sửa lại mái một cách thành thục. Gió vẫn lùa sâu, bởi căn nhà trống trải và đơn sơ quá. Khi chúng tôi buột miệng hỏi về một căn nhà ấm áp hơn, thầy chia sẻ: “Chỉ muốn sửa lại nhà để gió khỏi lùa sâu, để mưa khỏi tạt ướt sách dạy học thôi còn chưa làm được, sao dám nghĩ đến việc xây dựng một căn nhà nhỏ ấm cúng cho gia đình mình. Lại còn thêm…” Nói đến đó thầy dừng câu chuyện, thở dài, nhìn xa xăm…
Thấy Dũng trong căn nhà tập thể ở Bù Đăng. |
Cùng con chống chọi với bệnh
Không ai nói, nhưng mọi người đều hiểu những nỗi lo đang hằn sâu trên gương mặt, dù thầy đã cố giấu. Không lo sao được khi nghĩ về căn phòng trọ nhỏ tại TP.HCM nơi có người vợ đang mong thầy về. Còn con thầy, bé Lê Thọ Xuân đang chống chọi với bao căn bệnh hiểm nghèo.
Khi mới sinh ra bé Xuân nặng chưa đầy hai ký. Thấy con mình sức khoẻ yếu, nuôi hoài không lớn, thầy Dũng và cô Thi đưa con đi khám gần khắp các bệnh viện ở Bù Đăng nhưng bác sĩ chỉ nói cần chăm sóc bé nhiều hơn. Vừa nghỉ hè, cô thầy vội vàng gác lại hết mọi việc ở quê để đưa bé Xuân về TP.HCM khám bệnh. Và kết quả là bé Xuân bị bệnh Rubella bẩm sinh, kéo theo đó là sức đề kháng yếu và hiện bé đang bị đục thuỷ tinh thể một mắt cần phẫu thuật gấp. Nhưng sức khoẻ bé Xuân quá yếu, không thể phẫu thuật ngay. Vậy là thầy cô phải ở lại đến tháng 8 để điều trị nâng cao sức khoẻ cho bé. Dò hỏi mãi thầy Dũng mới tìm được người bà con xa hiện đang ở trọ tại Gò Vấp để tá túc. Đỡ lo chỗ ở nhưng chi phí sinh hoạt, tiền thuốc thang cho bé và một nỗi lo lớn đang đè nặng trái tim của người cha người mẹ này, đó là liệu bé có đủ sức khoẻ để vượt qua căn bệnh bẩm sinh quái ác này không?
Mới đây, thầy Dũng gọi điện báo tin bé Xuân đã bị đục thuỷ tinh thể cả hai mắt, sức khoẻ yếu hơn thấy rõ. Mấy ngày nay bé lại đau và khóc suốt đêm. Không biết rồi đây cô thầy, mang trong trái tim tình nguyện đầy niềm tin và mạnh mẽ… sẽ dìu dắt nhau vượt qua cơn sóng gió này thế nào?
Thanh Hà
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Chuyện về tấm lòng cô giáo
(01/07/2011)
-
Bảy năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo
(01/07/2011)
-
Bà giáo già và đàn con khiếm khuyết
(01/07/2011)
-
Lớp học vi tính ở bản nghèo
(01/07/2011)
-
Lớp học không tên...
(01/07/2011)
-
Người thầy nằm... dạy học
(01/07/2011)