Chuyện về tấm lòng cô giáo
Bằng chất giọng miền Trung thật thà và mộc mạc, Nguyễn Trần Anh Thảo (đại học Sư phạm Đà Nẵng) kể về người cô mà mình yêu quý với tất cả những yêu thương. Khi mà từ lâu chỉ biết nhiều chuyện không vui về nghĩa tình, thì câu chuyện về cô Trần Thị Lộc (hiệu trưởng trường tiểu học Hoà Liên 1, Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng) qua ký ức của Thảo quả là một dòng nước ngọt, tưới mát tâm hồn của những ai đã quá quen với những mất mát, đớn đau, với vội vàng, giẫm đạp, bon chen…
“Cô giáo em rất đẹp!”
Hơn 30 năm qua, cô Lộc vẫn lặng thầm, tận tuỵ với từng em học sinh của mình |
“Con đến nhà cô trong một chiều hè, nắng vàng rực cả con đường. Cỏ cây như đắm chìm trong sắc màu của mặt trời ngày nắng, óng ả và trong trẻo như tâm hồn thơ trẻ của con vậy. Con nghèo, đen đúa, lại thêm mái tóc ngắn nghịch ngợm như con trai. Cô bảo cô thương con sớm xa mẹ, xa cha, sớm từ bỏ tuổi thơ chân trần nơi miền núi cát cháy để bước vào cuộc đời đầy nắng và gió. Con nhớ cô đã xoa mái tóc ngắn và cháy nắng của con mà hỏi khẽ: “Xa gia đình, ở nhà dì, con có sợ không?” Con đã cười khoe hàm răng sún: “Con muốn vào trường chuyên thì phải ráng học, con hổng sợ chi hết!” Cô cười hiền, nhìn con âu yếm. Con bé lớp 4 ngỡ cô cười cái giọng miền Trung đặc sệt của mình liền cười hi hi, rồi đưa tay bụm chặt miệng mình. Về sau, có lần con hỏi cô: “Răng cô ở Đà Nẵng mà hổng nói giọng Đà Nẵng chi hết. Con nghe hông có quen”. Cô lại cười, có lẽ cả cuộc đời con, nụ cười của cô còn ngọt ngào và ru ngủ những giấc mơ thơ trẻ. Rồi cô khẽ nói: “Cô dạy học mà con, cô phải tập nói giọng chuẩn cho học sinh tập theo”. Con gật đầu ngây ngô, nhủ thầm: “Làm cô giáo răng mà khó quá chừng!”…
Ngày đầu tiên, Thảo đã nghĩ rằng, cô giáo của mình là người đẹp nhất, đẹp như một bà tiên bởi sự ân cần, hiền hậu ấy. Biết bao chuyện xảy ra, bà tiên vẫn mãi là bà tiên, vẫn yêu thương từng đứa học trò của mình dẫu có ai đó lỡ lầm đường, lạc lối. Năm Thảo học lớp 5, bạn Vũ ăn cắp xe đạp. Thảo cứ ngỡ cô sẽ phạt cậu học trò nghịch ngợm thật nặng nhưng khi biết được Vũ lấy cắp xe để bán, kiếm tiền mua quà ngày nhà giáo cho cô, cô đã khóc rất nhiều. Một mình cô tìm đến nơi Vũ bán xe, mua lại để trả cho học trò. Cô đã dạy Vũ một bài học về lòng trung thực. Cách làm của cô đã để lại trong lòng lớp học sinh bé bỏng của gần mười năm trước một tình thương vô bờ. Vũ bây giờ đã là công nhân. Cô vẫn dõi theo từng bước thăng trầm của học trò mình. Và Thảo, bây giờ lại sắp trở thành đồng nghiệp của cô, dẫu đã từng nghĩ rằng: “Làm cô giáo răng mà khó quá chừng!”…
Bài học từ lỗi lầm
Hỏi vì sao chọn theo nghề giáo, không do dự, Thảo bảo rằng mình chịu ảnh hưởng nhiều từ cô, dẫu cho ba mẹ Thảo đều là bác sĩ và học lực của Thảo khi ấy hoàn toàn có thể đỗ vào những trường đại học danh tiếng. Đứng trước sự lựa cho mình cánh cửa vào đời với nhiều phân vân, Thảo đã tìm về gặp cô Lộc. “Con hãy chọn điều mà mình thích con mới có đủ say mê để làm tốt nhiệm vụ của mình. Con không thích nghề giáo, con không thể dạy giỏi; con không thích làm bác sĩ, con không thể làm bác sĩ tốt!” Câu nói ấy của cô đã cho Thảo thêm niềm tin để quyết định thi vào ngành sư phạm. Có ai ngờ đâu, đứa học trò ghét môn văn của cô Lộc sắp trở thành một cô giáo dạy văn!
Ngày đó, có lần vì lười biếng làm bài, vì không thích môn văn, Thảo đã chép nguyên một bài văn mẫu để nộp cho cô. Không khiển trách Thảo trước lớp mà cô đã gặp riêng Thảo để nói rằng: “Con muốn được điểm 10, con hãy tự viết bằng thực lực của mình. Làm như thế này là con đã ăn cắp chất xám của người khác, đó là một việc không tốt…” Thảo đã khóc rất nhiều sau lần đó, bởi: “Cô đã nói mình ăn cắp thì chắc chắn mình là người xấu rồi”. Để không phụ lòng cô, để chứng minh mình không phải là người xấu, cô học trò nhỏ ấy đã cố gắng học thật giỏi môn văn.
“Cô không phải là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú mà cô là nhà giáo lặng thầm. Cô xây dựng ngôi trường cũ kỹ con từng học năm xưa thành ngôi trường chuẩn quốc gia bậc hai đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Không kèn, không trống, không hô hào, không lớn tiếng, cô cứ lặng thầm đi suốt cuộc đời để in dấu chân trong tâm hồn mỗi học sinh từng may mắn học với cô”. Đó là những câu cuối cùng mà Anh Thảo viết về người cô mà mình yêu quý, được đọc lên trong ngày chúng tôi đưa Anh Thảo về trường để chia sẻ những tình cảm mà Thảo lặng thầm dành cho cô Lộc, nước mắt cô đã lặng lẽ tuôn rơi…
33 năm gắn bó với ngôi trường nơi miền quê nghèo, cô Lộc vẫn lặng lẽ cống hiến, tận tuỵ với từng em học sinh, từng người đồng nghiệp. Còn hai năm nữa là cô sẽ về hưu, nhưng những gì cô đã làm cho các thế hệ học sinh ở vùng quê nghèo này chắc khó phai mờ. Và với riêng Anh Thảo, người thầy của Thảo vẫn mãi là người thầy đẹp nhất dẫu thời gian có qua đi…
Bài và ảnh: Bích Uyên
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Bảy năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo
(01/07/2011)
-
Bà giáo già và đàn con khiếm khuyết
(01/07/2011)
-
Lớp học vi tính ở bản nghèo
(01/07/2011)
-
Lớp học không tên...
(01/07/2011)
-
Người thầy nằm... dạy học
(01/07/2011)
-
20 năm, lớp học sân chùa
(01/07/2011)