Thông tin hoạt động 01/07/2011

Bảy năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Cô dạy tôi cách đây đã hơn mười năm. Với tôi, cô kiên cường hơn bất cứ người phụ nữ nào tôi đã gặp. Mang nhiều nỗi đau nhưng cô luôn mỉm cười, mạnh mẽ và chưa bao giờ thôi san sẻ tình yêu thương cho bất cứ ai mà cô đã gặp…

 

Cô giáo Lân Hương và niềm vui mỗi khi còn được đứng lớp.

Đó là những dòng tâm sự mà bạn Nguyễn Thanh Sơn, hiện đang là kiến trúc sư tại TP.HCM thông qua Tiếp sức người thầy gửi đến cô giáo Nguyễn Đình Lân Hương, giáo viên trường THCS Nguyễn Du, thành phố Đà Lạt.

Những nỗi đau khó nói hết

Đến thăm cô vào một ngày Đà Lạt se lạnh, không khó để chúng tôi nhận ra cô: người phụ nữ dịu dàng, có giọng nói ngọt ngào cùng với một chút mạnh mẽ tiềm ẩn. So với ký ức mà người học trò cũ nhớ về cô, cô đã gầy hơn rất nhiều. Mái tóc cũng không còn dày và đen óng như xưa. Nhìn cô đứng trên bục giảng với tất cả sự tận tâm, ít ai nghĩ rằng cô đang phải chống chọi với chứng ung thư hiểm ác cùng những di căn đã hiện rõ trên tay, trên cổ. Những cơn đau ấy đã thường trực trong cơ thể và không ít lần khiến cô phải ngất đi.

Cô kể: “Mình phát hiện mắc bệnh ung thư ngực vào năm 2004. Từ đó đến nay mình đã trải qua không biết bao nhiêu ca phẫu thuật, không biết bao nhiêu lần xạ trị. Nhưng bác sĩ nói căn bệnh của mình đã di căn và có bướu khó phát hiện nên không thể điều trị cho dứt được”. Rồi cô cười đôn hậu: “Mình chỉ còn 30% cơ hội, khi nào trời bắt đi thì phải đi, còn sống được ngày nào thì cố gắng đến lớp và cống hiến ngày đó thôi…” Cô chầm chậm và nghẹn lời, nhìn xa xôi qua mái nhà gió lùa từng đợt. Nơi đó, cậu con trai 17 tuổi đang lụi hụi nhét vải vào những kẽ hở để đêm nay gió không tràn vào.

Từ ngày người đàn ông đầu ấp tay gối ra đi cùng người khác, căn nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con cô. Niềm vui thì ít, nỗi buồn chất chồng, cô và con trai cứ thế nương tựa vào nhau chiến đấu với bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống. Số tiền lương hàng tháng chỉ đủ mua chút ít đồ dùng sinh hoạt trong nhà và gói ghém cho thuốc thang. Còn số tiền vay gần 30 triệu đồng không biết làm sao trả hết, vậy nên, bữa cơm của hai mẹ con cô nhiều hôm chỉ toàn rau…

 

Hai mẹ con cô giáo trong căn nhà nhện giăng và trống trải…

Gieo những hạt giống tình yêu

Khi được hỏi về những cơn đau, cô nói thật ngắn gọn rồi hồ hởi kể về tình cảm mà đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh đã dành cho cô: “Ngày cô hiệu trưởng báo mình bị bệnh, cả hội đồng giáo viên bật khóc. Rồi mình nhận được không biết bao nhiêu thư từ của học sinh. Có đứa đang học, có đứa đã ra trường mười mấy năm mà vẫn còn thương mình lắm. Nhưng bất ngờ nhất là mình nhận được cả thư động viên của những người có cùng căn bệnh và cả những người chưa từng biết mình. Tất cả đã tạo động lực và niềm tin cho mình vui sống đến ngày hôm nay”. Rồi cô thân mật chia sẻ ước mơ mình ấp ủ trong những năm bị bệnh: “Mình chỉ mong có đủ sức khoẻ để làm việc, chia sẻ tình yêu mà mọi người dành cho mình đến những người có hoàn cảnh tương tự. Tình yêu sẽ nhân lên khi được chia sẻ, và cuộc sống dù ngắn ngủi cũng ý nghĩa hơn khi đầy tình yêu mà, phải không?”

Đã gần tám năm sống chung với bệnh, cô nói đã quen với mùi thuốc, với những lần một thân một mình xuống Sài Gòn chữa bệnh, đã quen với những đêm trở lạnh, đang ngủ bỗng quặn thắt vì cơn đau. Nhưng có một điều mà có lẽ cô vẫn chưa quen, và có thể nhiều năm sau – cầu mong vậy – cô cũng phải rất khó khăn để học cách quen, đó là việc phải xa rời phấn trắng và bục giảng. Vì trong cuộc trò chuyện, cứ mỗi lần vô tình nhắc đến bục giảng, mắt cô lại long lanh, ánh lên cả một tình yêu bao la. Hạt giống tâm hồn là cuốn sách cô chọn để kể cho các em học sinh nghe mỗi khi đến lớp. Không có hạt giống thần tiên thổi bay căn bệnh hiểm nghèo mà cô đang mang, nhưng chúng tôi tin rằng, cô đã tìm được hạt giống mang tên tình yêu để nuôi dưỡng sự lạc quan trong tâm hồn mình.

Thanh Hà

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác