Thông tin hoạt động 01/07/2011

Lớp học vi tính ở bản nghèo

Chỉ trong một thời gian ngắn, chàng trai trẻ KrăJăn Ha Len được dân bản trìu mến gọi là “thầy H len vi tính”, rồi xúm xít nhau đưa con cháu của mình đến nhà thầy để học với “cái truyền hình biết làm việc”...

Thầy giáo trẻ KrăJăn Ha Len mở lớp vi tính ở bản làng.

Cách đây năm năm, khi xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn là một trong những xã nghèo, kinh tế còn lạc hậu thì chuyện người dân biết đến máy vi tính được xem là điều xa lạ. Bởi thế, khi KrăJăn Ha Len đưa bốn chiếc máy vi tính đầu tiên về nhà mở lớp là cả xã Đạ Sar xôn xao, và cả những xã nghèo xung quanh đều có cái nhìn ái ngại.

Ước mơ lớn lên từ ngọn rau rừng

Ăn rau rừng của buôn, uống nước suối của buôn, cái chữ đầu tiên ê a trên những con đường của buôn, cứ thế cậu bé KrăJăn Ha Len (dân tộc Cill) lớn lên giữa vòng tay của buôn làng. Và trong suốt những tháng ngày gắn bó đó, cậu luôn ấp ủ một ước mơ, phải làm gì đó cho cái xã Đạ Sar xa xôi, nghèo nàn, nơi đã nuôi nấng và rất mực yêu thương cậu.

Năm 2005, Ha Len lên thành phố Đà Lạt học, vì những điều ấp ủ lúc nào cũng thôi thúc, không cho Ha Len gắn bó mãi với cây bắp, cây càphê như bao người lớn lên từ Đạ Sar. Anh trở thành sinh viên ngành kế toán tin học của trường trung cấp nghề Đà Lạt – nay là cao đẳng nghề – rồi tiếp tục học chuyên sâu ngành tin học tại đại học Đà Lạt. Gia đình Ha Len ở bản cũng chỉ đủ sống, do đó ngoài thời gian đi học, Len làm kế toán tại một công ty kinh doanh rau và hoa. Việc làm và học của Len khá vất vả, chiếm hầu hết thời gian trong ngày, nhưng chỉ cần nghỉ tay, Len lại suy nghĩ về những đứa trẻ ở bản mình và ước mơ làm một cái gì đó cho các em.

Và rồi thật tình cờ, anh gặp được người thầy giáo, khi ấy đang mở một lớp học để dạy vi tính cho trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ trên đường Hoàng Diệu, TP Đà Lạt. Kể từ đó, sau giờ học, Ha Len đến phụ giúp thầy truyền lại cho các em những kiến thức vi tính mà mình biết được. “Mỗi ngày đến lớp dạy, hình ảnh về các em nhỏ ở bản lại thôi thúc mình. Mình biết cái vi tính hiện đại và rất có ích trong cuộc sống thì tại sao không đem kiến thức về dạy cho buôn làng mình nhỉ?”, Ha Len kể. Thế là chàng trai ấy ngỏ ý với thầy để mượn bốn chiếc máy vi tính về buôn dạy, ý tưởng của Ha Len được thầy đồng ý. Mừng rỡ khôn xiết, chàng trai về xin bố mẹ sắp xếp lại căn nhà hẹp bằng gỗ đơn sơ để làm lớp tin học đầu tiên.

Tấm lòng người thầy trẻ

Chuyện anh thanh niên trẻ mang vi tính về làng được đồn xa, nhiều người già, em nhỏ đến lớp xem thử, bảo nhau: “Cái thứ đó học mắc tiền lắm!”, rồi ra về. Để có lớp học, anh phải gõ cửa từng nhà để động viên, khuyến khích bà con cho các em học sinh đến lớp. “Mình đã bảo học vi tính được miễn phí, không lấy tiền, lấy củ khoai, củ mì của bà con đâu. Nhờ đó bà con mới nửa tin nửa ngờ đưa con cháu đi học thử”, Ha Len bộc bạch. Việc dạy học cho các em ở bản cũng không dễ dàng, đến chuyện làm quen với con chuột, bàn phím hay những ổ chứa dữ liệu cũng buộc người thầy trẻ phải kiên nhẫn và tỉ mỉ hơn rất nhiều. Dù công việc kế toán cho một công ty ở thành phố Đà Lạt rất bận rộn, cách xa buôn làng hàng chục cây số, dù mưa hay nắng nhưng mỗi khi xong việc Ha Len vội về nhà để dạy.

Từ những em học sinh đầu tiên còn bỡ ngỡ với bốn chiếc máy vi tính đầu tiên, đến nay Ha Len đã phổ cập tin học A, B và nhiều em trong bản đi thi ở những trường khác, các trung tâm cũng đã lấy được tín chỉ. Thấy nhu cầu tăng mà lớp học lại rất hiệu quả nên đầu năm 2009, Ha Len đề xuất thầy của mình để hỗ trợ thêm 11 chiếc máy cho lớp. Gần sáu năm mở lớp, Ha Len cũng đã có ngót nghét 300 trò. Nói là trò vậy thôi, chứ Len chưa bao giờ cho ai đó gọi mình bằng thầy với lý do “các em toàn là em, là cháu mình, cùng ăn rau rừng, cùng uống nước suối bản, nghĩa là người một nhà cả mà!”

Hiện nay, ai cũng tin tưởng mang con đến gởi thầy “Ha Len vi tính” nên lớp học được mở rộng hơn và gần như ngày nào cũng học. Điều đó đồng nghĩa với chặng đường của thầy giáo trẻ ngày một dài và nhọc nhằn hơn. Nhưng điều đó có hề gì, bởi từ lâu với Ha Len, ước mơ riêng đã hoà vào mong ước chung của cả xã Đạ Sar nghèo khó, “là nuôi con chữ cho trẻ em trong bản để mai này các em thành người có ích, tiếp tục trở về gây dựng quê hương Đạ Sar thân yêu”.

Thanh Hà

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác