Lớp học không tên...
Có một lớp học nhỏ mà không gian thường nồng nặc mùi thuốc tây và thuốc sát trùng. Có một lớp học mà thỉnh thoảng chen giữa con chữ là những tiếng kêu đau đớn. Có một lớp học đôi lúc lặng đi khi hay tin một thành viên đã không còn nữa…
Cô Trịnh Thị Kim Phấn gắn bó với lớp từ những ngày đầu. |
Đó là lớp học không tên nằm cuối dãy nhà khoa nhi của bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ở lớp học này, gần hai năm nay, chính tình yêu thương của thầy cô đã giúp biết bao em nhỏ vượt qua đau đớn để lạc quan sống và mơ ước cho ngày mai.
Dấu bút đỏ trong danh sách lớp
Đầu tháng 9.2009, lớp học nhỏ này ra đời trong giọt nước mắt hạnh phúc của những người thầy người cô giàu lòng nhân ái. Vì nhiều lý do riêng, không ít thầy cô đành dang dở việc ghé lớp, nhưng cũng có những người đã hai năm nay dành trọn thời gian và niềm yêu cho những thiên thần ở đây. Như cô Trịnh Thị Kim Phấn, giáo viên trường tiểu học Đuốc Sống, quận 1 gắn bó với lớp từ những ngày đầu và hiện nay chịu trách nhiệm chính về lớp học này. Cứ vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, cô Phấn, cô Dung… lại say sưa ngồi làm tính, viết chữ hay đọc thơ cho các em.
Ngoài việc đứng lớp, các cô cùng với các bạn sinh viên tình nguyện còn tích cực tham gia vận động sự ủng hộ từ những chương trình từ thiện để có thêm tập, sách, truyện tranh, bút chì màu. Rồi vào mỗi cuối kỳ, cũng chính những người cô giàu tình thương ấy đã dành dụm để mang đến cho các em những phần quà vật chất, nhằm giảm bớt nỗi lo và nhọc nhằn cho gia đình các em. Dẫu biết rằng căn bệnh ung thư có thể cướp đi các “thiên thần” bé nhỏ bất cứ lúc nào, thế nhưng, mỗi ngày đến lớp, các cô đều lấy những câu chuyện cổ tích thần tiên kể cho các em nghe, rằng ở hiền sẽ gặp lành, rằng lạc quan yêu đời thì sẽ gặp hạnh phúc. Nhiều lần các cô chứng kiến cảnh các em trở bệnh đau đớn, cũng không ít lần chính tay cô Phấn phải đánh dấu bằng bút đỏ vào danh sách lớp học, vì một học sinh nữa, một đứa con nữa của cô đã ra đi mãi mãi. Không phải là tất cả, nhưng những bài học của các cô hôm nay, hình ảnh và tình thương bao la của các cô đã góp phần không nhỏ tạo nên sợi dây vô hình, gắn kết các em với cuộc sống này.
Học để quên đau
Các cô dạy và chơi cùng các em bệnh nhi. |
Lớp học không có tên, chỉ là căn phòng chưa đầy 20m2. Ngày đầu mới thành lập, lớp học có 13 em. Sau hơn một năm giảng dạy, sĩ số của lớp đã lên đến gần 40 và con số đó luôn dao động bởi các em đến rồi đi. Các em nhỏ ở khoa nhi không cùng tuổi tác, không cùng quê hương, có em chưa biết đọc, biết viết, cũng có em đã đọc thông viết thạo, nhưng các em lại cùng mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và đều mong ước được đến lớp. Bỏ lại bên ngoài những nồng nặc của mùi thuốc và những tiếng kêu đau đớn, mười mấy em nhỏ hồn nhiên cười nói hay hí hoáy vẽ tranh khiến không ít người rơi nước mắt. Hình ảnh bé Ái Mỹ tay phải gắn kim, tay trái tập viết, đôi lúc em bậm môi vì những cơn đau… mãi in sâu trong chúng tôi.
Sau buổi đến lớp, các em lại trở về với giường bệnh, với những cơn đau khi xạ trị. Để rồi hôm sau đến lớp là những thân hình gầy mỏng, xanh xao… Và chen ngang giữa những câu hỏi: “Cô ơi, cho con màu đỏ!”, “Cô ơi, mái nhà màu gì hả cô?”, là những lời xót buốt: “Cô ơi, con đau quá!” “Những lúc như vậy mình muốn khóc, muốn ôm các em vào lòng dỗ dành mãi. Vậy mà các em cũng mạnh mẽ và kiên cường lắm, như những thiên thần vậy. Lúc nào cũng vui cười, ca hát kể về ước mơ ngày lành bệnh khiến mình thấy tự tin hơn về công việc mình đã làm”, cô Phấn xúc động chia sẻ.
Thanh Hà
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Người thầy nằm... dạy học
(01/07/2011)
-
20 năm, lớp học sân chùa
(01/07/2011)
-
Người đàn ông mù và 30 năm phấn đấu làm thầy
(01/07/2011)
-
Hai mẹ con tìm ánh sáng trong chữ
(01/07/2011)
-
Người mẹ và đàn con khiếm khuyết
(01/07/2011)
-
Người thầy không đứng lớp
(30/06/2011)