Hai mẹ con tìm ánh sáng trong chữ
Câu hỏi ngẫu nhiên tôi dành cho Duy An: “Nếu được sáng mắt, điều đầu tiên con muốn nhìn thấy là gì?”, cậu bé ngập ngừng một chút rồi trả lời dứt khoát: “Dạ, chữ!”
Những phút giây hiếm hoi cả gia đình ở bên nhau. |
Tám tuổi, với một tâm hồn hết sức trong sáng, tôi tin Duy An không biết nói dối để làm vừa lòng người khác hoặc đánh động vào sự xúc động, cảm thương của bất kỳ ai. Em thật thà nói lên ước mơ của mình. Cũng chính vì ước mơ đó của con trai, người mẹ – cô giáo Nguyễn Ngọc Lan đã phải rời bỏ quê nhà, xin tạm ngưng việc dạy học để đi tìm chữ cho con. Cũng chính vì ước mơ đó của con trai mà người cha – thầy giáo Lê Văn Huệ phải chịu cảnh xa đứa con trai duy nhất…
Đi tìm ánh sáng
Ngày An và em Khang có mặt trên đời, lẽ ra phải là ngày mẹ cha hạnh phúc nhất. Vậy nhưng, chưa kịp vui, mẹ đã đắng cay, để nước mắt chảy ngược vào tim mà bước qua nghịch cảnh, mà nuôi An lớn lên. Vì sức khoẻ kém, mẹ đã sinh hai anh em sớm đến ba tháng. Vì vậy mà mẹ không giữ được Khang ở lại trên đời; vì vậy mà đứa con trai còn lại bị bong võng mạc mắt, phải chịu cảnh mù loà vĩnh viễn!
Thương con, bằng đồng lương giáo viên khiêm tốn, ba mẹ bế An đi khắp các bệnh viện chữa mắt. Cũng ngần ấy lần hai bậc sinh thành phải gạt nước mắt bế con về, vì đi đến đâu, bác sĩ cũng bảo không thể nào giúp An thấy được ánh mặt trời, thấy ba, thấy mẹ. Phải mất một khoảng thời gian dài, cô Lan và thầy Huệ mới chấp nhận sự thật rằng con trai mình sẽ không tìm ra ánh sáng…
Bù lại, càng lớn lên, Duy An càng thông minh, lanh lợi và còn đòi được đến trường. Vậy là mẹ cha lại bắt đầu một hành trình mới, đi tìm chữ cho con. Ở Bến Tre quê An và nhiều tỉnh lân cận, chỉ có trường dành cho người khiếm thính mà chưa có nơi dạy học cho người mù. Vậy nên, mẹ phải xin tạm ngưng việc dạy học, đưa con lên Sài Gòn, xin cho con vào trường phổ thông đặc biệt – trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Bù đắp cho những mất mát, những vất vả hy sinh ấy, An trở thành một học sinh giỏi của lớp 1B.
Cho ước mơ con bay cao
Hàng ngày, từ khu nhà trọ ở gần khu công nghiệp Tân Bình, cô giáo Nguyễn Ngọc Lan lại tất tả đèo con đến lớp trên chiếc xe máy cũ kỹ rồi đến chỗ dạy kèm. Phải thuê nhà thật xa, cô mới tìm được phòng trọ rẻ tiền để ở bởi thu nhập từ việc dạy học của thầy Huệ ở quê, việc dạy thêm của cô vẫn còn quá khiêm tốn với mức sống thị thành. Những ngày đầu lên thành phố, cô phải tất tả ngược xuôi tìm chỗ làm thêm, tìm nơi dạy kèm. Để có tiền thuê nhà, nuôi con ăn học, ngoài việc dạy thêm tiếng Anh, đi trợ giảng tại các trường mầm non, các trung tâm dạy nhạc, cô còn nhặt ớt, lựa rau thuê ở chợ Bến Thành! Người cha đã phải giấu vào lòng những nhớ thương khi mỗi tháng mới được đứa con trai giơ đôi bàn tay nhỏ nhắn sờ lên mắt lên mũi mà nói “con nhớ ba”…
Mẹ kể rằng An mê sách lắm. Cứ cầm quyển sách dành cho người sáng mắt nào trên tay, An cũng ôm ấp, hôn hít rồi dùng tay gõ lên quyển sách. Em có thể mân mê, chơi với sách cả buổi vẫn không chán. Trong căn phòng trọ nhỏ xíu, chỉ vài món đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho hai mẹ con, thứ quý giá nhất người mẹ ấy lưu giữ, không sót một mảy may nào, đó là những bài học của An. Từ tờ giấy cứng thủng lỗ chỗ ngày đầu con tập viết chữ nổi cho đến những bài toán điểm mười, mẹ mang nó, khoe với bất kỳ ai đến thăm trong niềm hạnh phúc. “Bây giờ thì tôi có niềm tin rồi. Ngày trước, nhìn con dò dẫm tìm ánh sáng, tôi khóc hết nước mắt. Sợ rằng con mình lớn lên sẽ phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, nhưng bây giờ đưa con vào trường, thấy con học giỏi, có khả năng tiếp thu bài tốt, tôi đã có thể yên tâm. Hơn nữa, khi biết nhiều thầy cô đang dạy bé An cũng là người khiếm thị nhưng học đến thạc sĩ, có gia đình và lo được cho cuộc sống của mình, tôi tin con mình sau này cũng có việc làm, có tương lai…” Vừa nói xong, chị lại tất tả mang con theo, chạy xuống quận 5 để kịp giờ vào trợ giảng một lớp dạy nhạc. Hai dáng người một gầy gò, một tung tăng nhảy nhót nắm tay nhau bước ra sân trong chiều nắng.
Đành chấp nhận rằng ánh sáng không nằm ở đôi mắt, mẹ mong rằng tri thức sẽ dẫn đường cho đứa con trai của mẹ đến với những ước mơ.
Bài và ảnh: Bích Uyên
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Người mẹ và đàn con khiếm khuyết
(01/07/2011)
-
Người thầy không đứng lớp
(30/06/2011)
-
Thầy cô về hưu lo ăn lo học
(23/04/2011)
-
Ngân hàng Đông Á giúp nhân dân Nhật bản 200 triệu đồng
(24/03/2011)
-
Nhật ký từ những sẻ chia cùng thầy cô
(23/03/2011)
-
Những tấm lòng dựng lớp dạy chữ
(23/03/2011)