Lớp học tiếng Anh ở rừng cao su
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” – mẹ tôi thích và hát cho tôi nghe suốt những ngày bà bệnh. Một hôm, tôi về nhà vào một chiều gió, đi ngang con đường đất đỏ, thấy các em nhỏ nắm tay nhau đi học về, thầm thì nói chuyện, tôi chợt nghiệm ra những điều mẹ dạy từ câu hát. Tôi biết mình phải làm gì…”
Cô Nhung và học trò tiếng Anh ở một vùng quê. Ảnh: Tiến Vinh
|
Đó là tâm sự của cô Trần Thị Nhung về một ngày đặc biệt mười bốn năm về trước, ngày đã thôi thúc cô dựng lớp và trở thành cô giáo dạy Anh văn miễn phí cho học trò nghèo.
Cô giáo “bất đắc dĩ”
Nghe các em nhỏ hàng xóm tâm sự về nỗi sợ môn Anh văn và sợ ba mẹ buồn vì học yếu, cô Nhung lúc đó đang là một bác sĩ thú y đã quyết định mở lớp học trên đất nhà. Không tìm ra cô giáo, cô đánh liều mày mò các phương pháp sư phạm rồi tự mình dạy tiếng Anh miễn phí cho các em. “Vậy mà các em hiểu bài rất nhanh. Sau đó em này gọi em kia, người này truyền người kia, lớp học nhỏ ban đầu chỉ có mười em một thời gian ngắn đã lên đến gần bốn mươi em”, cô Nhung tươi cười khoe.
Lớp học những ngày đầu chỉ là một cái chòi nhỏ gần lô cao su. Ngày hè, cô trò thường xuyên phải ôm sách vở chạy trốn những cơn mưa. Rồi thỉnh thoảng đang học, rắn từ ngoài đu vào làm cô trò một phen hoảng sợ. Thế là lớp học được dời vào bên hông nhà cô. Đến năm 2000, các em học sinh nghèo rủ nhau kéo đến ngày càng đông, cô phải bán bốn chỉ vàng dành dụm để mua vật liệu xây mái che rộng rãi làm chỗ học. Rồi cô dè sẻn trong chi tiêu mua thêm bàn ghế, lắp đặt bóng đèn, quạt máy. Mới đây, cô lại bỏ tiền nối dài thêm mái che để đủ chỗ ngồi cho các em. Lớp học giờ đây có đến 85 học sinh đến từ thị xã Tây Ninh và cả những vùng gần đó có cả lớp cấp 1, cấp 2 và cấp 3.
Hiện nay, cô Nhung là phó chủ tịch công đoàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh với công việc bộn bề. Cô phải đi làm sớm hơn và tranh thủ làm việc cả giờ trưa. Vất vả như thế nhưng lớp học của cô vẫn đều đặn mỗi ngày hai ca, kéo dài từ chiều đến tận 10 giờ đêm. “Nhiều em nhà cách lớp hơn mười cây số vẫn đạp xe đi học đều đặn, có em không ngại đêm hôm mưa gió, học xong lớp của mình rồi ở lại học tiếp lớp sau. Các em nghèo lại hiếu học như vậy thì dù cực đến thế nào mình cũng cố xong công việc để về dạy các em”, cô mỉm cười chia sẻ.
Kỷ niệm riêng của cô giáo vườn
Cô còn hào hứng kể những kỷ niệm rất đặc biệt mà có lẽ chỉ có giáo viên “nhà vườn” mới có được. Đó là những lá thư các em viết cho cô chia sẻ về những khó khăn, những ước mơ và kể về những kỷ niệm từ lớp học. Đó là những mùa tết học trò đến đông nghịt. Các em nghèo nên quà biếu cô cũng đặc biệt. Có em mang theo mớ trái cây trong vườn, có em đèo sau xe đòn bánh tét, đạp mười mấy cây số đến chúc tết cô. Cũng có em quà tết là bảng điểm đạt loại giỏi. Hay con đường đất đỏ vào nhà cô, mỗi lần gió thổi bụi mù mịt cũng là kỷ niệm khó quên. Nhiều năm trước, con đường vào mùa mưa là ngập ngụa, sình lầy. Cô trò không biết bao nhiêu lần té ngã, vào lớp với vết trầy xước, lấm lem. Thương các em, cô vận động lũ học trò nhỏ cùng cô làm lại con đường. Ngày đắp đường, ba mẹ các em do cảm kích trước tấm lòng cô cũng đến giúp một tay. Thế là con đường nhỏ đã thênh thang và sạch sẽ hơn, vòng xe đến trường của các em từ đó cũng bớt gập ghềnh, gian nan.
Đã mười bốn năm gắn bó với lớp học nhỏ, bao lớp học sinh từ đây đã trưởng thành. Cô Trần Thị Nhung cũng đã qua tuổi năm mươi, tóc đã lấm tấm bạc. Cô bắt đầu lo khoảng chục năm nữa, sức khoẻ cô biết có đủ để dìu dắt các em? Nhưng nỗi lo vừa đến cũng là lúc niềm vui tràn về. Cô Nhung kể: “Cách đây bốn tháng, có một cô gái còn rất trẻ tên là Cẩm Tiên xin được dạy tiếng Hàn tại lớp của tôi. Cô Tiên nói muốn làm một cái gì đó cho học trò nghèo và cho quê hương. Lúc đó tôi thật sự hạnh phúc vì việc làm nhỏ của tôi đã được các em trẻ bây giờ quan tâm. Và tôi tin rằng, ngày mai, sẽ lại có những người khác tình nguyện làm thầy, làm cô cho các em nhỏ hiếu học nơi đây”.
BÀI: THANH HÀ, ẢNH: TIẾN VINH
Câu chuyện về lớp học tiếng Anh của cô Trần Thị Nhung sẽ được gửi đến quý khán giả trong chương trình Tiếp sức người thầy, phát sóng lúc 21 giờ 40 phút tối thứ ba 1.3.2011 trên kênh HTV9. Đóng góp cho chương trình xin gửi về: báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gửi vào tài khoản: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.
Ngân hàng Đông Á đồng hành cùng chương trình Tiếp sức người thầy.
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Người thầy lớn lên từ những tấm lòng
(21/02/2011)
-
Người thầy lận đận
(18/02/2011)
-
Người thầy có tài kể chuyện
(14/02/2011)
-
Hải Yến làm mùa xuân ở lớp tình thương
(31/01/2011)
-
Món quà ô mai và trái tim người thầy
(24/01/2011)
-
Cả nhà nặng nỗi lo toan
(17/01/2011)