Người thầy lớn lên từ những tấm lòng
Nhà thầy là một ngôi nhà cấp bốn, rộng rãi và tươm tất. Khi chúng tôi đến, thầy đang soạn giáo án cho ngày mai, mẹ thầy đong đưa chiếc võng trước sân nhà ngắm nhìn các cháu nhỏ ríu rít đùa nghịch và tập hát.
Thầy Nguyễn Văn Cải trong gian nhà đầm ấm hiện nay.Ảnh: Tiến Vinh
|
Khung cảnh hạnh phúc đó đã làm chúng tôi mỉm cười nhẹ lòng, bởi sau những chuỗi ngày dài thiếu thốn và nghèo khó, hôm nay hạnh phúc đã đến với thầy, mẹ thầy, ví như cơn mưa rào tưới mát mảnh đất đã bao năm khô cằn.
Vào đời từ những nhọc nhằn
Ngay từ lúc lọt lòng, thầy Cải đã không biết mặt cha là ai, mẹ lại mắc bệnh tâm thần nhẹ. Cảnh nhà khó khăn nên chị gái của thầy mặc dù học rất giỏi cũng đành nghỉ học để đi làm thuê kiếm sống. Riêng Cải từ nhỏ đã phải nhọc nhằn với bao công việc: nhổ mạ, cấy lúa, trỉa đậu, bán bánh... Sáng mùa đông trời lạnh, Cải dắt trâu ra đồng và là người nhỏ nhất trong đám bạn đi chăn trâu lúc đó. Mùa hè đi chăn vịt mướn, đêm ngủ ngoài đồng. Cứ thế Cải lớn lên, trên đồng ruộng, với nhọc nhằn và giữa vòng tay yêu thương của bà con lối xóm. Đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay, thầy Cải vẫn nhớ mãi hình ảnh tô cơm nguội mà một người hàng xóm đã cho. Đó là khi Cải học lớp bốn, mẹ bệnh ngày càng nặng, chị mất việc làm nên cả tuần nhà không có cơm ăn. Với tô cơm nguội hàng xóm cho đến một người ăn cũng không no. Thế là chị của thầy nghĩ ra sáng kiến, đổ nước vào tô cơm đó để nấu thành cháo. Vậy là đã có một nồi cháo thơm ngon thịnh soạn cho cơn đói của cả nhà.
Mười mấy năm thức khuya dậy sớm, học trên lưng trâu, học bên ngọn đèn dầu, học cả những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong buổi làm. Mười mấy năm cần mẫn trên vùng quê nghèo khó Củ Chi, cuối cùng thầy và gia đình cũng được tận hưởng những quả ngọt. Đó là ngày cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Cải đậu đến ba trường đại học. Cải chọn cho mình trường đại học Sư phạm TP.HCM, ngành văn. Trên chiếc xe đạp cũ, Cải hạnh phúc vượt hai mươi mấy cây số lên thành phố trọ học, bắt đầu vào đời với tài sản là kiến thức, là nghị lực, là chiếc xe cà tàng và vài ngàn đồng trong túi.
Yêu nghề giáo từ một kỷ niệm
Ra trường, đứng trước những cơ hội cuộc đời, thầy Cải đã chọn trở về quê hương Củ Chi, trong vòng tay gia đình, xóm làng và thầy cô thân thương tại trường THPT Quang Trung với mơ ước góp sức gieo tiếp những hạt mầm mới. Nhiều năm sau này, thầy vẫn không giấu niềm tự hào được làm thầy giáo, cái nghề mà thầy cho là “cao đẹp nhất trong mọi nghề”. Bởi ngày xưa, không có tấm lòng của thầy cô, có lẽ thầy Cải đã phải dừng việc học nhiều lần trong đời. “Tôi nhớ như in cái ngày tựu trường năm lớp bốn, tôi không đến trường mà nằm ở nhà khóc sưng mắt. Chị bệnh không đi làm được, mẹ bệnh nặng hơn, lúc đó gạo còn không có ăn làm sao đi học. Rồi tôi được bạn bè cùng xóm kêu đi học, cô Hằng là chủ nhiệm nói sẽ giúp cho. Tôi con nít lắm, chỉ cần nghe được đi học là xách cái cặp trống rỗng đến trường ngay. Cô Hằng đã đóng học phí cho tôi, lại còn dắt tôi đi mua thiếu dụng cụ học sinh, mượn sách giáo khoa của trường cho tôi học …”, anh bồi hồi nhớ lại.
Tấm lòng của cô giáo Hằng đã thắp lên trong Cải lòng yêu nghề dạy học. Từ đó, anh tâm nguyện phải học giỏi, lớn lên làm giáo viên để giúp đỡ học sinh gặp khó khăn như cô Hằng đã từng giúp anh. Lòng anh tự nhủ phải học và học với quyết tâm sắt đá. Và cậu học trò nghèo hiếu học đã làm được, không chỉ mang lại cuộc sống hạnh phúc cho gia đình mình mà thầy còn là tấm gương sáng cho bao học trò nghèo phấn đấu đi lên. Ngay năm đầu tiên đi dạy, thầy Cải vừa dạy văn vừa làm trợ lý thanh niên. Tiếp nối truyền thống giúp đỡ học sinh nghèo bước tiếp đến trường cũng như qua sự trải nghiệm bản thân, thầy đã thành lập câu lạc bộ Khuyến tài cho hội Khuyến học TP.HCM, góp sức thành lập hội Khuyến học trường THPT Quang Trung.
BÀI: THANH HÀ, ẢNH: TIẾN VINH
Trang trước | Đầu trang | In trang |
Các tin khác
-
Người thầy lận đận
(18/02/2011)
-
Người thầy có tài kể chuyện
(14/02/2011)
-
Hải Yến làm mùa xuân ở lớp tình thương
(31/01/2011)
-
Món quà ô mai và trái tim người thầy
(24/01/2011)
-
Cả nhà nặng nỗi lo toan
(17/01/2011)